Khung trời đầy phong đỏ
Phượt qua vạn núi cao
Bài‧Esther Tseng Ảnh‧Chuang Kung-ju Biên dịch‧Tố Kim
Tháng 10 2020
騎行宜蘭至梨山的台七甲線,翻過思源埡口後,便是從宜蘭進入了台中,從46K還淋著大雨,又溼又冷。往前踩踏到49K,卻是晴空萬里,從冷風刺骨到風和日暖,短短不到十分鐘,人生的經歷也不過如此劇烈!
Đạp xe theo tỉnh lộ 7A (Provincial Highway 7A) từ Nghi Lan đến Lê Sơn, sau khi vượt qua hẻm núi Tư Nguyên (Siyuan) là ta đã rời khỏi Nghi Lan, tiến vào địa phận của Đài Trung. Ở cây số 46 Km của tỉnh lộ, trời mưa to, vừa ướt vừa lạnh, vậy mà khi thẳng tiến đến cây số 49 Km thì trời lại trong xanh không một gợn mây. Từ cái lạnh thấu xương đến nơi tràn đầy ánh nắng ấm áp không đầy 10 phút, đời người thăng trầm cũng chỉ kịch liệt đến thế mà thôi!
Chuyến “Phượt Đài Loan” lần này được khởi đầu từ tỉnh lộ 7A tại xã Đại Đồng, huyện Nghi Lan. Trong làn nắng dịu dàng mỏng manh của mùa đông cùng với non xanh nước biếc và dòng suối Lan Dương rộng lớn luôn sát cánh với ta trên đường đi, đạp xe gần 2 km, ta mới có cảm giác như vửa khởi động xong thì cũng đúng lúc đến Cilan Resort - nơi tập trung của quần thể cây cổ thụ lớn nhất châu Á.
Cây cổ thụ ở Thê Lan đắm mình trong sương gió
Khu rừng núi Thê Lan (Qilan) nằm ở đoạn phía bắc dãy núi Tuyết Sơn, có khu rừng bách nguyên thủy của Đài Loan (Chamaecyparis obtusa var. formosana) rộng đến 15.000 hecta. Khu rừng này được Bộ Văn hóa xếp vào danh sách Di sản Thiên nhiên mang tiềm năng Di sản thế giới. Nơi đây cũng là điểm tham quan mà ta nhất định phải ghé qua trên tỉnh lộ 7A. Để người dân đến gần hơn với rừng núi, Ủy ban Sự vụ Cựu chiến binh đã cải tạo đường trượt vận chuyển gỗ trước kia thành con đường leo núi, đồng thời phát huy trí tưởng tượng vô cùng phong phú, tùy theo số tuổi của cây mà lấy tên của những bậc thánh nhân tiền bối và nhân vật lịch sử, đặt tên cho gần 100 cây bách đỏ và biển bách, tạo ấn tượng sâu sắc cho du khách đối với khu rừng cổ thụ hơn ngàn năm tuổi này.
Leo một đoạn ngắn theo cầu thang có tay vịn là tới cây cổ thụ nhiều tuổi nhất trong khu này với tên gọi “Khổng Tử”. Cây “Khổng Tử” thuộc giống bách đỏ này đã có hơn 2.500 tuổi. Khi cây mọc mầm cũng là lúc Chí thánh tiên sư Khổng Tử chào đời. Vô xảo bất thành thư (có 1 điều trùng hợp kỳ lạ) là trên thân cây cổ thụ này có một loại thực vật dây leo có tên khoa học là Hydrangea integrifolia bám vào và mọc thẳng tắp, vừa hay nó được dùng làm cây gậy của Phu Tử. Trong khu vườn còn có 1 cây bách đỏ có đường kính lên tới 20m, nhưng vì cây bị u bướu khiến cho thân cây có hình dạng như hai chân dạng ra. Khi cây này mọc mầm cũng là lúc Hán Cảnh Đế tại vị, do đó cây được đặt tên là Tư Mã Thiên, vị quan bênh vực cho tướng Lý Lăng mà bị nhận hình phạt cung hình (thiến), thật là trùng hợp với lịch sử.
Nơi đây là vùng sương mù ẩm ướt nhất ở Đài Loan, các loại rêu và địa y mọc đầy trên thân cây cổ thụ, tạo nên vẻ mông lung huyền ảo, đẹp khôn tả. Quan sát hình dạng, kích thước lớn nhỏ của phân động vật trên con đường mòn, ta có thể phán đoán đó là chất thải của loài sơn khương (mang Reeves) hay dê hoang dã đã đi qua nơi đây; cây gỗ sát quí hiếm là thực phẩm yêu thích nhất của loài bướm phượng đuôi rộng (Papilio maraho)- loài bướm đặc hữu của Đài Loan. Rừng lá rộng và rừng lá kim cùng tồn tại trong khu rừng cổ kính, môi trường sống đa dạng và sự phân bố thực vật hoàn thiện của chốn này, với hành trình chỉ vỏn vẹn có 2 tiếng đồng hồ khiến cho ta cảm thấy luyến tiếc muốn nán lại thêm để khám phá nơi này.
Liễu xanh hoa thắm lại thôn xa
Đạp xe một mạch đến cây số 23 Km thì trời mưa lất phất, bắt đầu đi vào con đường có những khúc quanh co khúc khuỷu hình chữ chi liên tiếp nhau, lại phải tránh những chiếc xe chở bắp cải xuống đồng bằng, đúng là một thử thách về thể lực và vô cùng nguy hiểm.
Tạm dừng chân nghỉ ngơi chốc lát tại bộ lạc Bốn Mùa (Qalang skikun), tình cờ gặp ông Trần Trung Lợi ( Eddie Chen) - tác giả cuốn sách “Đài Loan: Đẹp nhất khi du ngoạn bằng xe đạp” (Taiwan: At Its Most Beautiful from a Bicycle). Ông Trần Trung Lợi đảm nhiệm chức đoàn trưởng cho 1 đoàn 3 người bao gồm ông Ethan và ông Ganot - người Israel cùng ông Atsushi Haruta- người Nhật Bản, đến Đài Loan để du ngoạn bằng xe đạp và leo núi. Từ Đài Bắc, họ đạp xe đến Vũ Lĩnh (Wuling) ở Đài Trung – nơi có độ cao cách mặt nước biển 3.275m. Trong lộ trình dài 3 ngày này, họ phải đạp xe leo núi để đến hồ Thúy Phong (Cuifeng) trên núi Thái Bình (Taiping) và đỉnh núi phía đông của núi Hợp Hoan (Hehuan). Đây là hành trình đầy gay go và nhiều thử thách cho những người thích mạo hiểm. Ông Trần Trung Lợi cho hay, những người nước ngoài chuyên đến Đài Loan để đi xe đạp này, nếu họ đạp theo tuyến đường ven biển thì sẽ ngắm được cảnh đẹp của núi non biển cả; nhưng nếu họ đạp xe leo núi cao là họ muốn chinh phục và thử thách bản thân, lại có thể trải nghiệm những khung cảnh đẹp nhất Đài Loan.
Ngay cả những chuyên gia du lịch bằng xe đạp cũng đang đi trên tỉnh lộ 7A khiến chúng tôi như có thêm sức lực để đạp xe lên dốc. Chúng tôi đến bộ lạc Nam Sơn (Nanshan) ở cây số 29 Km, mới 9 giờ sáng sương mù đã giăng đầy, ven đường là cả một vườn bắp cải. Đây là khu sản xuất rau ở vùng núi cao lớn nhất Đài Loan.
Tiếp tục lên đường, đoạn đường quanh co và dốc cao đã làm hao mòn ý chí và thể lực, chúng tôi càng đạp càng chậm. Khi cảm thấy mệt muốn đứt hơi thì cũng là lúc chúng tôi đã đến cây số 46 Km của tỉnh lộ 7A, hẻm núi Tư Nguyên (Siyuan) – đầu nguồn phân chia sông Lan Dương (Lanyang) và sông Đại Giáp (Dajia). Do ảnh hưởng bởi gió mùa đông bắc thổi từ biển vào mang theo hơi nước, hình thành luồng gió tại hẻm núi Tư Nguyên (Siyuan), gió lạnh thấu xương, gặp đoạn xuống dốc, xe chạy với tốc độ nhanh trong làn mưa phùn, bất chợt rùng mình vì lạnh.
Sau khi vượt qua hẻm núi Tư Nguyên (Siyuan), chúng tôi tiến vào lưu vực sông Đại Giáp (Dajia) ở Đài Trung. Tại cây số 48.5 Km, chúng tôi còn phải đạp xe trong mưa nhưng khi đạp đến cây số 49 Km thì mây mù đã tan, đường khô ráo, xe tiếp tục lăn bánh về phía trước, mặt trời ló diện, núi xanh bao quanh, hai bên đường mọc đầy phong đỏ và hoa anh đào Đài Loan (anh đào núi). Trải qua cảnh phải dầm mình trong mưa gió lạnh giá cho đến lúc trời quang mây tạnh, ta như trải nghiệm một buổi tắm hơi khi nóng khi lạnh, cảm giác trời đất đột nhiên rộng mở trong sáng này vừa đúng khớp với lời nói của tác giả Trần Trung Lợi (Eddie Chen): “Đài Loan, đẹp nhất khi du ngoạn bằng xe đạp!”
Trời xanh xanh, núi xa xa, lá đỏ rực
Tại cây số 52.5 Km, chúng tôi quẹo vào hương lộ 124 – Đài Trung đến Nông trường Vũ Lăng (Wuling Veterans Farn). Đập vào mắt ta là màu vàng ươm của loài cúc vạn thọ có tên Tagetes lemmonii, màu tím của cỏ đuôi chuột Mexico (Salvia leucantha) và vườn hoa cải ngọt đang nở rộ. Trong ống kính của máy chụp hình, phông nền là những rặng núi nguy nga hùng vĩ tráng lệ, với dãy thông Taxodium distichum lá vàng, những ngôi nhà gạch đỏ hình tam giác trong khu cắm trại như điểm xuyến thêm cho phong cảnh thêm hữu tình. Cảnh đẹp như tranh khiến mọi người không thể không dừng lại chiêm ngưỡng.
Nông trường Vũ Lăng vốn được thành lập để trồng bắp cải nhằm cung ứng lương thực cho các cựu chiến binh thực hiện công trình xây dựng đường cao tốc Trung Hoành cắt ngang miền Trung Đài Loan (Central Cross-Island Highway). Nhằm hưởng ứng với việc chính phủ thành lập Công viên Quốc gia Tuyết Bá (Shei-Pa) vào năm 1992, nông trường Vũ Lăng bắt đầu thực hiện chính sách bảo vệ rừng với khẩu hiệu “Bỏ canh nông để trồng rừng”, không trồng rau cải miền núi cao nữa. Tuy nhiên, nông trường vẫn trồng trà trên núi cao, táo, đào để duy trì di sản nông nghiệp trước kia của vùng này.
Nhảy điệu Tango với khỉ, vừa bảo vệ sinh thái vừa chăm lo kinh tế
Những năm gần đây, số lượng khỉ đá Formosa hoang dã ở nông trường Vũ Lăng tăng nhanh. Chúng hái trộm đào và táo của nông trường, chẳng những vậy mà chúng còn nhổ cả gốc lẫn rễ của 9.600 củ hoa tulip vừa mới được trồng vì tưởng đó là khoai lang khiến cho nhân viên nông trường dở khóc dở cười, thậm chí vào năm 2016 chúng còn gây thiệt hại hoa màu nặng nề với tổng giá trị tổn thất lên đến hơn 6 triệu Đài tệ.
Để có thể vừa bảo vệ động vật vừa bảo vệ hoa màu không bị phá hoại, ông Viên Đồ Cường (Yuan Tu-chiang) – giám đốc nông trường Vũ Lăng áp dụng sách lược “Nhảy điệu Tango với “khỉ”, tức là “Anh tiến thì tôi lùi”. Nông trường không trồng những loại hoa màu khỉ thích ăn, thay thế trồng những loại chúng không ưa. Năm 2014, nông trường cho trồng thử hoa cúc và phát hiện khỉ không đến phá hay ăn loài hoa có mùi thơm đặc biệt này. Do đó, nông trường dần dần chuyển sang trồng hoa cúc, năm 2019, sản lượng hoa cúc đạt đến 500kg.
Ông Vương Nhân Trợ (Wang Ran-juh ), tổ trưởng Tổ Hướng dẫn kỹ thuật tiêu thụ sản phẩm cho biết, do nhiệt độ ngày và đêm trên núi cao chênh lệch khá nhiều. Ban ngày ánh sáng mặt trời có cường độ mạnh nên cường độ tia UV (tia tử ngoại ) cũng cao tương ứng. Nông trường lại dùng nước từ núi Tuyết Sơn để tưới tiêu nên hoa cúc phát triển tốt, cánh hoa to và có màu vàng tươi. Có một lần trong triển lãm nông nghiệp, hoa cúc của nông trường còn bị người trong nghề cho rằng nó được phun thuốc tăng trưởng và nhuộm màu nên mới có màu sắc vàng tươi như vậy. Nhân viên nông trường nói đùa với nhau rằng: “Nếu có phun thuốc thì cá hồi Đài Loan được bảo tồn ở suối Thất Gia Loan (Qijiawan) sẽ “nổi” lên trên mặt nước hết”.
Nói đến loài cá hồi Đài Loan quý giá sống tại Công viên Quốc gia Tuyết Bá (Shei-Pa ), qua 20 năm bảo tồn và nhân giống, nhân viên làm công tác bảo tồn đã ngưng không thả cá vào suối Thất Gia Loan từ 7 năm trước. Hiện nay số lượng cá hồi Đài Loan hoang dã luôn ổn định. Năm 2019, sau khi “tổng điểm danh” thì thấy có hơn 5.800 con. Trung tâm Sinh thái cá hồi Đài Loan lo lắng sự biến đổi khí hậu hiện nay sẽ ảnh hưởng đến đàn cá nên trung tâm đang trợ giúp đàn cá hồi sợ nóng không sợ lạnh này rời khỏi suối Thất Gia Loan, mang chúng thả vào suối La Diệp Vĩ (Luoyewei) và suối Hợp Hoan (Hehuan). Trung tâm cũng đang tiến hành công tác phục hồi nhân giống đàn cá.
Dưới ánh nắng ban mai dịu dàng chiếu rọi, chúng tôi đạp xe đến cửa vào núi Tuyết Sơn. Ta có thể nhìn thấy toàn cảnh đường viền núi đoạn từ đỉnh núi chính của dãy núi Tuyết Sơn đến núi Đại Bá Tiêm và núi Nam Hồ Đại Sơn. Đến với nông trường Vũ Lăng sẽ mang lại cho ta một chuyến du lịch miền núi Đài Loan hội tụ đủ 4 yếu tố thú vị: “ly kỳ, mạo hiểm, núi cao cheo leo và cảnh đẹp hùng vĩ”.
Đường mòn của thợ săn dân tộc Atayal
Trong khi đạp xe đi về hướng Lê Sơn, ngang qua bộ lạc Hoàn Sơn (Huanshan), bộ lạc Giai Dương(Jiayang), phong cảnh bên đường được thay thế bằng hàng cây lê và cây hồng. Đoàn phóng viên Tạp chí “Taiwan Panorama” đặc biệt đến thăm trưởng lão của bộ tộc Atayal – ông Trương Hữu Văn (Buyang Mekax)- người được Phòng Quản lý Khu Phong cảnh Quốc gia Tam Sơn (Tri-Mountain) giới thiệu cho đoàn, để nhờ ông hướng dẫn tham quan cảnh vách đá basalt- một cảnh đẹp bí mật chưa được biết đến và đường mòn Sưu Lộc (Soulu) tại bộ lạc Tùng Mậu (Songmao).
Ông Trương Hữu Văn chạy mô tô, dẫn chúng tôi đi tham quan con đường mòn săn bắn ngày xưa của người dân nguyên trú – Đường mòn Sưu Lộc. Chúng tôi quẹo vào cửa vào núi Đại Kiếm (Dajian) tại cây số 66.5 Km trên tỉnh lộ 7A. Đường đi toàn là đường đá dăm, đây là đường núi việt dã tốt nhất dành cho xe đạp, còn có một đoạn mà chúng tôi có thể cảm nhận được sự mềm xốp dưới bánh xe bởi dưới đất toàn là lá thông, y như ta đang chạy trên “thảm lá thông”. Đoạn đường êm ái này kéo dài cho đến di chỉ nơi từng xảy ra sự kiện quân Nhật Bản sát hại dân tộc nguyên trú vào khoảng năm 1920.
Trên đường đi, nhìn từ trên cao xuống lưu vực sông Đại Giáp, cảnh đẹp của vách đá basalt ở ngay trước mắt ta, men theo con đường dốc nhỏ, ta có thể đi xuống lưu vực sông. Ông Trương Hữu Văn lấy chiếc khẩu cầm (tiếng Atayal : lubuw) ra thổi. Ông kể cho chúng tôi nghe nguồn gốc của dân tộc Atayal với 4 phiên bản nhưng câu chuyện làm chúng tôi cảm động nhất là quá trình ông được Thượng đế ra tay cứu mạng.
Tháng 3 năm ngoái (2019), ông Trương Hữu Văn đến đây câu cá, bất cẩn trượt chân té xuống lưu vực sông sâu đến 70 m. Nghĩ lại còn phát sợ, ông nói: “Lúc đó xung quanh toàn là măng đá, tôi lại rơi đúng vào bàn đá duy nhất trong đám măng đá. Không bao lâu sau tôi tỉnh dậy, đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, tôi cầu cứu Thượng đế. Lúc đó tôi mới cảm thấy toàn thân đau đớn khôn cùng, lại không mang theo điện thoại di động, trên núi lại không một bóng người. Phải mất 2 tiếng đồng hồ tôi mới có thể leo lên được 150m để cầu cứu”. Sau khi được đưa đến bệnh viện thì mới phát hiện ông gãy hết 5 cái xương sườn!
Lắng nghe câu chuyện thoát chết trong gang tấc của ông Trương Hữu Văn khiến cho ta cảm nhận được điều quý giá và sự mạnh mẽ dẻo dai của sinh mạng. Điều này khiến chúng tôi như có thêm sức lực để tiến về phía trước khi lên đường đến trạm chót là Nhà khách Lê Sơn trên tỉnh lộ 7A.
Có lẽ vì được truyền nguồn linh khí kỳ diệu từ rừng cổ thụ ngàn năm, ôm ấp vẻ đẹp của sương mù trong núi nên con người trở nên tràn đầy năng lượng, nóng lòng muốn lên kế hoạch ngay cho chuyến du lịch bằng xe đạp lần sau.