Triết học của cuộc sống vùng đồi núi thấp
Kế hoạch trồng rừng 100 năm của CMP Village
Bài‧Chen Chun-fang Ảnh‧Kent Chuang Biên dịch‧Tố Kim
Tháng 8 2021
位於苗栗造橋的香格里拉樂園,曾經人聲喧鬧,裡頭的遊樂設施是許多人的回憶。勤美集團接手後,在2016年啟動「勤美學計畫」,將生活美學融入自然,蟲聲、蛙鳴、風吹拂樹林的沙沙聲,以及人們的歡笑聲都回來了。
Công viên giải trí Shangrila Paradise nằm ở xã Tạo Kiều (Zaoqiao), huyện Miêu Lật (Miaoli). Trước đây, nơi đây từng rộn ràng tiếng cười nói của du khách, các trò chơi trong công viên là những ký ức đẹp của rất nhiều người. Sau khi tiếp quản công viên, Tập đoàn CMP (the CMP Group) đã khởi động “Kế hoạch làng CMP” (the CMP Village plan), đưa nét đẹp trong đời sống hòa nhập vào thiên nhiên, có tiếng côn trùng, tiếng ếch kêu gọi bầy, tiếng rừng cây lao xao mỗi khi ngọn gió mơn man và tiếng cười nói vui đùa của mọi người cũng đã trở lại với chốn này.
Từ ga tàu cao tốc Miêu Lật, ngồi taxi khoảng 10 phút là đến Công viên giải trí Shangrila Paradise. Theo chân giám đốc điều hành Làng CMP Hà Thừa Dục (Jonas Ho), đi đến một hàng rào rất bình thường, không có gì đáng chú ý, men theo con đường trong tiếng thì thầm tĩnh lặng của thiên nhiên, tầm nhìn đột nhiên rộng mở, trước mắt là một bãi cỏ rộng lớn được núi rừng vây quanh, phía trên có mái vòm khổng lồ được đan bằng tre và những chiếc lều nhỏ được dựng thành hình vòng cung. Thì ra hàng rào là ranh giới phân định công viên cũ và khu dự án mới, cõi trần tục và thiên nhiên, nó cũng tượng trưng du khách đã bước vào “chốn thần tiên” của thời nay.
Làng CMP nỗ lực kết hợp thiên nhiên và nét đẹp trong đời sống. Những vật liệu trong rừng mà ta dễ dàng thu lượm được cũng có thể dùng để trang trí làm đẹp môi trường sống.
Tạo điểm sáng trong sự bình dị đời thường
Năm 2012, Tập đoàn CMP mua lại Công viên giải trí Shangrila Paradise đã bị mai một. Công viên nằm trong khu đồi núi thấp cách mặt nước biển từ 50-100 m với diện tích 40 hecta. Nơi đây có những cánh rừng tự nhiên và rừng nhân tạo đan xen vào nhau, “một cảnh vật mà ta có thể nhìn thấy ở bất cứ nơi nào trên hòn đảo Đài Loan”. Đây là ấn tượng đầu tiên của chủ tịch hội đồng quản trị Công viên giải trí Shangrila Paradise Mạch Thắng Vĩ (Mai Shengwei) đối với công viên này.
Lúc đầu Tập đoàn CMP mời văn phòng kiến trúc nổi tiếng quốc tế quy hoạch thiết kế công viên. Sau 2 năm, ban lãnh đạo công viên nhận được kế hoạch xây dựng công viên thành khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế với các vườn hoa, hồ nước, villa. “Rất đẹp nhưng thiếu tính chất địa phương”, đây là nhận xét chung của ban lãnh đạo Tập đoàn CMP. Vậy là đề án khu nghỉ dưỡng bị bác bỏ, mọi thứ lại quay trở lại điểm ban đầu. Tập đoàn CMP tự thành lập đội phụ trách cải tạo đổi mới công viên, thành viên của đội ngũ này đều là nhân viên của tập đoàn và trọng trách cải tạo Công viên giải trí Shangrila Paradise được giao cho giám đốc điều hành Quỹ Văn hóa nghệ thuật CMP PUJEN (the CMP PUJEN Foundation for Arts and Culture)-ông Hà Thừa Dục.
Giám đốc Hà Thừa Dục lại phải mất 2,3 năm để tìm lại định hướng của công viên, ông đã tìm đến kiến trúc sư người Nhật Hiroshi Nakamura – một chuyên gia về phương diện thiết kế kết hợp giữa thiên nhiên và văn hóa địa phương. Ông Hà Thừa Dục đưa kiến trúc sư Hiroshi Nakamura đi tham quan kiến trúc Khách Gia và ngành công nghệ địa phương của Miêu Lật. Sau nhiều giờ thảo luận, cuối cùng kiến trúc sư Hiroshi Nakamura đưa ra 3 nguyên tắc phát triển công viên trong tương lai, đó là: tinh thần nghệ nhân, bền vững tài nguyên thiên nhiên, triết học cuộc sống. “Nghe ra thấy nó xa vời sao đó, nghe không hiểu lắm, muốn hiểu thì phải bắt tay vào làm thôi”, Giám đốc Hà Thừa Dục cười ngượng ngùng.
Phá bỏ vườn hoa Châu Âu – một công trình kiến trúc tiêu biểu của Công viên giải trí Shangrila Paradise, biến nơi đây thành bãi cỏ thật rộng, Giám đốc Hà Thừa Dục đưa ra ý tưởng thiết kế nơi đây thành khu cắm trại ngoài trời sang trọng. Ông lại mời chuyên gia về nghệ thuật môi trường Vương Văn Trí (Wang Wen-chih) thiết kế khu Tình Thiên Mạc (Bamboo Woven Sky). Dưới sự chỉ dẫn của ông Vương Văn Trí, nhân viên khu vườn đã mất hơn 40 ngày, dùng hơn 5.000 cây tre bện thành 2 mái vòm khổng lồ nối liền những đường đi bộ nổi bật. Khu Tình Thiên Mạc cũng là biểu tượng của tình cảm, là tấm chân tình của đội ngũ chung tay xây dựng và cũng là sự thành tâm thúc đẩy phát triển văn hóa địa phương. Khu này được đặt tên “Làng Shan Na” (Shan Na Village), Shan Na có nghĩa là rừng núi theo phát âm của tiếng Khách Gia, mở đầu cho “Kế hoạch làng CMP”.
Khi bước vào Làng CMP, nơi đây không chỉ có những chiếc lều sang trọng được trang bị đầy đủ vật dụng cần thiết mà ban quản lý còn tận tâm thiết kế những khu vui chơi chủ đề thú vị. Ví như “Trung tâm mua sắm Sơn Nhạc” (Department Store in the Hills), dùng những nguyên liệu của hệ sinh thái tự nhiên để thay thế cho các sản phẩm kim loại của khu mua sắm, thông lá kim là giấy vệ sinh của thiên nhiên, thân rau cần làm ống hút, lá cây cọ xẻ thì có thể dùng làm quạt v.v..., khám phá theo sự hướng dẫn của bản đồ, thiên nhiên là một trung tâm mua sắm vô cùng hấp dẫn.
Công viên giải trí được thiết kế chủ yếu gồm các thiết bị máy móc thì rất dễ khiến người ta nhàm chán theo thời gian. “Thiên nhiên và văn hóa lại ngày càng thú vị hơn theo sự tích lũy của thời gian, chúng tôi đã áp dụng logic này vào việc thiết kế Làng CMP”. Giám đốc Hà Thừa Dục cho biết, nếu phân tích CMP thì là “Cần Mỹ, Học” tức là Tập đoàn CMP phải học hỏi mảnh đất này và cũng có thể là “Cần, Mỹ Học”, nói về đức tính cần cù của người Khách Gia.
Trẻ em vùng núi đang nhảy múa nô đùa
Khu vui chơi chủ đề thứ 2 mà Kế hoạch Làng CMP đưa ra là “Làng Mộng Đẹp” (Sweet Dream Village). Trong khu này cũng có những chiếc lều được thiết kế bắt mắt, ngoài ra còn có 3 ngôi nhà trên cây làm bằng gỗ cây liễu sam của Đài Loan. Nghề làm than củi đang dần dần biến mất tại Miêu Lật cũng được dung hòa vào ngôi nhà trên cây. Cây dùng để xây dựng 3 ngôi nhà này được cacbon hóa ở mức độ khác nhau để có nhiều màu sắc khác biệt, qua quá trình cacbon hóa cây cũng ít bị mối mọt tấn công, kéo dài thời gian bảo tồn, nhờ đó có sự tương tác với mạch lịch sử của địa phương.
Giám đốc Hà Thừa Dục cho biết, Làng Shan Na thể hiện quan hệ giữa con người và văn hóa địa phương, còn Làng Mộng Đẹp thì nhấn mạnh quan hệ giữa con người với con người. Làng Mộng Đẹp thiết kế tour du lịch trải nghiệm để du khách được đắm mình hoàn toàn trong hoạt động du lịch. Mọi người tập trung lên núi vào lúc chiều tối, đeo tai nghe, đi theo sự hướng dẫn của kịch bản thám hiểm khu vườn. Buổi tối, mọi người cùng nhau dùng bữa cơm tối với các món ngon địa phương tại các bàn ngoài trời dưới bầu trời đầy sao; bữa sáng thì dùng các vật liệu hái được ngoài vườn làm pizza. Làng Mộng Đẹp tạo nên cảm giác kỳ ảo như trong mộng, khơi dậy sự hồn nhiên du khách, mọi người cùng leo cây, cười giỡn, nô đùa. Trong hầm thợ săn còn có hạt trẩu làm đạn, khi súng cao su giương lên thì cũng là lúc tiếng cười vang dội khắp nơi.
Làng CMP diễn đạt lại cách thức con người tiếp cận thiên nhiên. “Chúng tôi muốn phục hồi mảnh đất này trở lại trạng thái tự nhiên vốn có của nó, đồng thời kết hợp với thẩm mỹ đương đại”. Đối với giám đốc Hà Thừa Dục, hòa nhập vào cái đẹp trong đời sống là việc vô cùng quan trọng, muốn truyền đạt quan niệm bảo tồn thiên nhiên, môi trường bền vững nhưng nếu như quá gian khổ, bị muỗi đốt v.v..., thì rất khó được mọi người chấp nhận; còn nếu có thể kết hợp cái đẹp trong cuộc sống, văn hóa nghệ thuật chụp hình đăng lên mạng, ăn uống lành mạnh thì mới có sức hấp dẫn, thu hút được sự đồng thuận của mọi người.
Tại khu đồi núi thấp, giám đốc Hà Thừa Dục đã thực hiện việc kết nối thiên nhiên, văn hóa địa phương và mỹ thuật cùng khả năng vô hạn của cuộc sống bền vững.
Để văn hóa nghệ thuật đâm chồi nảy lộc trong rừng rậm
Khác với không khí náo nhiệt tại Làng Shan Na, Làng Mộng Đẹp, khu The Forest BIG nằm sâu trong công viên lại là 1 nơi tĩnh lặng chào đón du khách đến trải nghiệm nhiều điều mang tính thực nghiệm. Giám đốc Hà Thừa Dục đặt tên The Forest BIG mang đầy triết lý, nhấn mạnh con người là hạt bụi nhỏ bé trong thiên nhiên, hy vọng mọi người đến đây rèn luyện sự khiêm tốn và cùng sống chung với thiên nhiên.
Trước khi bước vào The Forest BIG, đoàn sẽ đưa mọi người đến trước tượng Quan Thế Âm Bồ Tát để hành lễ với mong muốn thông qua nghi thức này truyền thông điệp cho rừng núi: Chúng tôi đã đến, đồng thời để tâm hồn được lắng đọng, thả chân bước đi chậm hơn. Ở đây có lối mòn nhỏ hẹp chỉ 1 người có thể bước đi mà thôi, lối mòn tràn ngập tiếng côn trùng, chim chóc, đất dưới chân mềm, xốp cho thấy dưới lớp đất này từng có chuột chũi Đài Loan đi qua. Tại đây thỉnh thoảng ta lại bắt gặp mạng nhện giăng ngang. Giám đốc Hà Thừa Dục vừa nhẹ nhàng di dời mạng nhện vừa thì thầm xin lỗi, ông nói: “Nếu có thể không quấy rầy thì đừng gây phiền phức, đây là logic của The Forest BIG”. Sau lộ trình chỉ có 5 phút ngắn ngủi, cảnh vật trong khu rừng đã đổi khác hoàn toàn, các loài thực vật ở vùng ven biển lại có mặt trong vùng núi này. Thì ra vào khoảng 300.000 năm trước, nơi đây đã từng là bờ biển, do đó thổ nhưỡng ở khu này mang tính chất của cồn cát và đây cũng là 1 phát hiện ngạc nhiên thú vị khi công viên tiến hành nghiên cứu sinh thái khu vực này.
Giúp những nghệ nhân bậc thầy có cảm hứng sáng tác khi tiếp xúc với thiên nhiên là xu hướng hoạt động của The Forest BIG khi mới khai trương, các chuyên gia trong các lĩnh vực hoa nghệ thuật, ẩm thực, hương thơm, kiến trúc v.v..., cũng đã từng thể hiện tài năng sáng tạo của mình tại đây. Với kinh nghiệm được tích lũy, năm 2020 Làng CMP triển khai kế hoạch The Forest BIG 2.0, xúc tiến hợp tác giữa các chuyên gia về sinh thái và văn hóa nghệ thuật, để đôi bên cùng chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, cùng khích lệ nhau thực hiện các thử nghiệm mới.
Đứng giữa rừng cây, con người thật nhỏ bé. Hãy thử học triết lý sống của thiên nhiên!
Kế hoạch trăm năm trồng rừng
Đi tham quan một vòng 3 khu vui chơi chủ đề của Làng CMP, tưởng đâu công cuộc cải tạo công viên đã hoàn thành, nhưng không, đây chỉ là bước khởi động của Công viên giải trí Shangrila Paradise trong tương lai để từ đó sáng tạo ra một hình thái du lịch mới kết hợp với thiên nhiên, mỹ thuật và văn hóa địa phương. Giám đốc Hà Thừa Dục vẫn tiếp tục lên kế hoạch thiết kế công viên giải trí trong tương lai, “ Mục tiêu tổng thể là khôi phục lại diện mạo tự nhiên của nơi này”. Thong thả nói về kế hoạch trăm năm trồng rừng, ông lấy ví dụ Đền Meiji, Nhật Bản, 100 năm trước chỉ là 1 khu đất nông nghiệp, nay lại trở thành khu rừng quí báu nằm ngay trong lòng thành phố. Giám đốc Hà Thừa Dục cho biết, tạo rừng không phải là ta để đó 100 năm không chăm lo quản lý gì cả mà phải chia giai đoạn, cứ 10 năm là 1 giai đoạn, hình dung quan hệ và sự tác động lẫn nhau giữa con người và mảnh đất mà áp dụng phương thức chăm sóc đất đai theo từng thời điểm khác nhau, như vậy mới có thể tối ưu hóa cách sống của con người thời hiện đại. Mỗi khi được hỏi về kế hoạch phát triển công viên, giám đốc Hà Thừa Dục đùa rằng: “Chúng tôi lười lắm nên lấy tấm ảnh chụp từ trên không của công viên giải trí vào 30 năm trước, lúc đó công viên chưa được thành lập, sau đó căn cứ theo nhân khẩu và mật độ rừng Đài Loan để tính diện tích phát triển thích hợp”. Áp dụng khái niệm kiến trúc bền vững và nghệ nhân lưu trú tại thôn làng, xây dựng một Shangrila Paradise thực tiễn bền vững và một cuộc sống thẩm mỹ. Đối với nhà điều hành doanh nghiệp, mỗi giây mỗi phút trôi qua đều là tiền bạc nhưng đối với Làng CMP, thời gian lại là chất xúc tác tuyệt vời, cống hiến tuổi thanh xuân cho nơi này, họ xây hồ, trồng cây với niềm tin thiên nhiên sẽ không phụ lòng người.