Biểu tượng mới của thế giới về tre trúc
Sức mạnh chữa lành của rừng trúc Thạch Bích
Bài‧Mei Kuo Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧Hải Ly
Tháng 12 2024
“ Từ thời xưa, những văn nhân nho nhã đều rất mê tre trúc, những vị “tao nhân mặc khách” thường hay ngâm vịnh, vẽ vời về tre trúc. Trong bài “Thực trúc ký” (Bài ghi chép về trồng tre) của tác giả Lưu Nghiêm Phu (Liu Yan fu) thời nhà Đường có câu: “Quân tử tỷ đức ô trúc yên” (Cái đức của người quân tử sánh ngang với tre), đại văn hào Tô Thức (Su Shi) thời nhà Tống cũng có câu: “Vô trúc lệnh nhân tục” (Không có tre trúc, con người trở nên tầm thường) và “Cư bất khả vô trúc” (Nơi ở không thể không có tre trúc). Vì vậy, tre trúc được gắn liền với phẩm chất cao thượng và chính trực.
Khu chữa lành rừng Thạch Bích, huyện Vân Lâm ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, với hàng trăm héc ta rừng tre tĩnh lặng và thanh tao, có sự hiện diện của tác phẩm cảnh quan thủ công mỹ nghệ hiện đại, tạo nên ý nghĩa mới về sự chữa lành của tre trúc, vì vậy được phong danh hiệu là “Biểu tượng mới của thế giới về tre trúc”.
Thôn Thảo Lĩnh (Caoling) thuộc xã Cổ Khanh (Gukeng), huyện Vân Lâm nằm ở độ cao từ 1.600 mét đến 1.750 mét so với mực nước biển, là ngôi làng trên núi có độ cao cao nhất của huyện Vân Lâm.
Từ nhiều năm trước, thôn Thảo Lĩnh đã nổi tiếng bởi “10 cảnh đẹp Thảo Lĩnh” với những tảng đá có hình thù kỳ lạ, thác nước và thung lũng, nhưng vì xa xôi hẻo lánh nên chỉ có những người leo núi Thạch Bích (Shibi), núi Jia-nan-yun (ngọn núi ở địa phận giáp ranh của ba huyện Gia Nghĩa, Nam Đầu và Vân Lâm) thì mới chú ý tới. Sau thảm họa động đất ngày 21/9/1999, hệ thống đường xá của Thảo Lĩnh bị cắt đứt, lượng du khách giảm mạnh. Cho tới khi chính phủ triển khai công tác tái thiết sau động đất, những rừng tre Mạnh Tông bạt ngàn mới trở thành cơ hội phát triển mang đậm nét đặc trưng địa phương cho vùng núi Thạch Bích ở thôn Thảo Lĩnh.
Cơ hội chuyển mình sau thảm họa động đất 21/9/1999
“Chỉ cần có người leo núi thì chắc chắn sẽ có cơ hội phát triển”. Hơn 20 năm trước, chuyên gia về thủ công mỹ nghệ tre trúc của Thạch Bích – ông Quách Thủ Phát (Guo Shou fa) đã cùng với những cư dân thuộc Hiệp hội phát triển cộng đồng Thạch Bích hưởng ứng chính sách “mỗi xã một đặc trưng”, sử dụng vật liệu địa phương, xin phép cho dựng hành lang xanh có các chòi nghỉ mát với tên gọi “Hành lang xanh Ngũ nguyên lưỡng giác” và cầu vòm làm bằng tre Mạnh Tông trên khu vực đất công ở Thạch Bích, thôn Thảo Lĩnh, hướng đi lên phía Bắc kết nối với “Đường mòn cổ Ngựa gỗ” chuyên vận chuyển gỗ bách vàng và gỗ long não bò vào thời xưa . Ngoài ra còn có “Đồi Vân Lĩnh” (Yunling Hill) được mệnh danh là “nơi một lúc có thể đặt chân tới ba huyện” vì nằm ở khu vực giáp ranh giữa huyện Vân Lâm, huyện Gia Nghĩa và huyện Nam Đầu. Tại đây có thể ngắm được cả cảnh bình minh và hoàng hôn, khiến nơi này trở thành điểm tham quan rất hút khách ở vùng núi ngoại ô.
Trong những năm gần đây, rừng đã trở thành nơi chăm sóc sức khỏe và chữa lành, là xu hướng mới nổi trên thế giới. Rừng tre bạt ngàn ở Thạch Bích đã trở thành sự chọn lựa duy nhất để phát triển khu rừng chữa lành tại địa bàn huyện Vân Lâm.
Năm 2022, chính quyền huyện Vân Lâm đã tu bổ, sửa sang lại đoạn cuối cùng của tuyến đường huyện lộ 149A kết nối với khu vực Thảo Lĩnh và quy hoạch “Công viên rừng tre sáng tạo” tại khu rừng tre rộng 100 hecta nằm ở phía Nam “Hành lang xanh Ngũ nguyên lưỡng giác”, giao cho Văn phòng kiến trúc sư D.Z. Architects & Associates và nhóm Forest Union, cùng với nhà trị liệu theo liệu pháp rừng Lâm Gia Dân lập kế hoạch triển khai thực hiện. Họ đã đưa vào khái niệm “liệu pháp rừng”, thiết kế không gian trị liệu chữa lành trong rừng, lấy “Hành lang xanh Ngũ nguyên lưỡng giác” làm trung tâm để xâu chuỗi từ Nam ra Bắc, tạo ra “Khu chữa lành rừng Thạch Bích Thảo Lĩnh” rộng 156 hecta, là nơi rừng tre và rừng thiên nhiên hòa làm một, trở thành không gian ấn tượng về liệu pháp rừng của Đài Loan.
Nhà vòm tre áp dụng thiết kế bằng kết cấu vỏ mỏng mặt cong, tạo ra một không gian tuyệt vời cho âm thanh. (Ảnh: Công ty thiết kế D.Z. Architects & Associates cung cấp, người chụp: Luo Mu-Xin)
“Ngồi tĩnh lặng” là trạm đầu tiên của Công viên rừng tre sáng tạo Thạch Bích, dẫn dắt những du khách nhuốm đầy bụi trần khi tới đây có thể trải nghiệm sự đơn thuần và tĩnh lặng của rừng trúc. (Ảnh: Công ty thiết kế D.Z. Architects & Associates cung cấp)
“Ngũ nguyên lưỡng giác” đẹp sánh ngang với đường mòn trong rừng trúc núi Arashiyama ở Kyoto (Nhật Bản)
Từ ga tàu cao tốc Vân Lâm có thể đi xe đến Thạch Bích, nếu xuất phát từ Hổ Vỹ (Huwei), Đẩu Lục (Douliu) phải đi đến thị trấn Trúc Sơn (Zhushan) thuộc huyện Nam Đầu rồi quay trở lại Cổ Khanh, sau đó đi men theo tuyến đường huyện lộ 149, từ khu vực bằng phẳng chạy theo những khúc đường quanh co đi dần lên cao, qua các làng mạc, khu dân cư cho đến những dãy núi trùng điệp và tầng tầng lớp lớp những đỉnh núi cao hiểm trở, sau khoảng 2 giờ mới tới được vùng núi Thạch Bích.
Đi hết khu vực thung lũng rộng bát ngát sẽ vào tới con đường trong khu rừng tre. Rừng tre xanh rì mọc thẳng tắp hai bên đường đi, đẹp không thua kém gì những con đường mòn trong rừng trúc núi Arashiyama ở Kyoto.
Xe dừng lại ở “Hành lang Ngũ nguyên lưỡng giác” tại cổng vào của Khu chữa lành rừng Thạch Bích. Trên tuyến hành lang xanh được tạo bởi hàng loạt những chòi nghỉ mát, có biết bao du khách đã không ngại leo cao lên tới đây để tận huởng không khí yên bình và tĩnh lặng ở chốn sơn cốc này.
Ông Quách Thủ Phát nói: “Chòi nghỉ mát vốn là để cho người leo núi trú mưa, không ngờ lại được du khách yêu thích đến thế, tôi cũng rất thích”.
Nhưng tại sao ở Thạch Bích lại có nhiều tre đến vậy? Ông Quách Thủ Phát năm nay 76 tuổi, đã kể lại giai thoại được nghe từ cha mình. Ông cho biết, sau khi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đến Đài Loan đã cho đốn chặt gỗ rừng hàng loạt, thân cây cũng bị khoét rỗng. Khi đó tại địa phương có 3 anh em trai trong một gia đình đã tìm cách khôi phục việc trồng tre, vì măng tre có thể bán lấy tiền, thân tre có thể dùng làm vật liệu xây dựng, dùng để đan các loại đồ đựng, trở thành cây trồng có giá trị kinh tế. Vì thế, nhiều nông dân cũng học làm theo, tạo nên những rừng tre rậm rạp và trở thành nét đặc sắc của khu vực này.
Hành lang xanh Ngũ nguyên lưỡng giác được làm từ giống tre Mạnh Tông của địa phương, bốn bề được bao quanh bởi một biển tre bát ngát, là địa điểm tránh nóng lý tưởng.
Phong cảnh rừng trúc Thạch Bích
Giống tre Mạnh Tông ở Thạch Bích có thể trồng lấy măng, mùa đông cũng vẫn có măng. Ông Quách Thủ Phát cho biết, măng mọc ở dưới đất, không phải phun thuốc trừ sâu, cũng không cần phải bón phân, đất sạch và không bị ô nhiễm, đi chân không trên những con đường mòn trong rừng tre cũng rất dễ chịu. “Sáng sớm có thể ngồi ngắm bình minh, biển mây trên thung lũng có lúc đứng im không nhúc nhích cả giờ đồng hồ. Khi gió nổi lên, biển mây tan ra và biến thành sương núi, rất nhiều cuộn sương sẽ thi nhau cuốn lên, là báo hiệu sắp trở trời”. Đó là diễn biến trong một ngày của Thạch Bích.
Ông cũng chia sẻ về một Thạch Bích với phong cảnh muôn màu muôn vẻ vào 4 mùa trong năm. Khi mùa xuân tới, không khí dưới lòng đất ấm lên, rễ tre đâm chồi nảy lộc, mưa xuân xuất hiện thì măng sẽ đâm chồi, cây cỏ xung quanh cũng trở nên xanh tươi. Vào mùa hè nóng rực, rừng tre sẽ tỏa ra mùi thơm của đất do được ánh nắng chiếu rọi. Đến mùa thu và mùa đông, vạn vật ngủ yên, những chiếc lá rụng biến thành phân bón, cảnh sắc thay đổi suốt bốn mùa.
Mê cung “Minh Trận” với thiết kế đường xoắn ốc kép, là địa điểm lý tưởng để tập thiền trong lúc bách bộ. (Ảnh: Chính quyền huyện Vân Lâm cung cấp)
Thiết kế nhà vệ sinh “Tiểu sài hiên” áp dụng thiết kế mái hở một nửa để ngắm cảnh, tạo cảm giác như đang đi vệ sinh ở ngoài trời. (Ảnh: Công ty thiết kế D.Z. Architects & Associates cung cấp, người chụp: Luo Mu-Xin)
Tác phẩm tạo cảnh quan từ tre, đối thoại với môi trường trên đỉnh núi
“Công viên sáng tạo rừng tre Thạch Bích” là khu chữa lành theo liệu pháp rừng nằm ở phía Nam của “Hành lang xanh Ngũ nguyên lưỡng giác”, được chia thành hai khu vực là khu vực công cộng và khu vực yên tĩnh tránh làm phiền, cung cấp trải nghiệm trị liệu rừng cho các nhóm theo phân khúc khác nhau. Du khách có thể kết hợp với LINE@, quét mã QR một cách dễ dàng để bắt đầu hành trình chữa lành.
Kiến trúc sư Cam Minh Nguyên (Peter Kan) của Văn phòng kiến trúc sư D.Z. Architects & Associates chia sẻ về ý tưởng quy hoạch: “Vì cân nhắc địa hình núi, các công trình cảnh quan được làm bằng tre ở khu vực sống núi phải có khả năng chống chọi với gió, đối thoại với môi trường thiên nhiên khi ở trên đỉnh núi, khi lữ khách đắm mình trong cảnh quan đó, có thể nằm hoặc ngồi, tận hưởng cảnh quan thiên nhiên trước mắt trong những tư thế khác nhau”.
Khu “Ngồi tĩnh lặng” tại khu vực công cộng cách lối vào của hành lang xanh Ngũ nguyên lưỡng giác không xa, là trạm đầu tiên để mọi người có thể rời bỏ sự ồn ào của phố thị để bước vào một không gian có thể tĩnh tâm. Kiến trúc sư Diệp Dục Hâm của Văn phòng kiến trúc sư Protoplain, thành viên nhóm thiết kế, đã sử dụng giống tre Mạnh Tông có đặc điểm to và thô để làm xà, dùng giống tre Makino (Phyllostachys makinoi) mảnh và thẳng để làm khung, tạo một giàn mái nửa vòm bằng tre, phần móng chỉ dùng một lượng rất ít bê tông, bên trong đặt băng ghế lát đá. Du khách ngồi dựa nghiêng vào ghế đá, tầm mắt vừa hay sẽ thấy được phong cảnh, bầu trời và ánh sáng ở vị trí ngọn tre, khiến mọi người bất giác chuyển hướng sự chăm chú vào thiên nhiên.
Vào buổi trưa yên tĩnh, chuyên viên trị liệu gõ vào chiếc chuông bát, âm thanh ngân vang làm giảm bớt căng thẳng, du khách đến trải nghiệm liệu pháp rừng cũng ngáy khò khò.
Lối đường mòn nằm giữa rừng tre phủ đầy lá rụng, tạo ra một con đường xốp mềm, bước đi bên trên sẽ tạo ra những tiếng sột soạt, dường như muốn nhắc nhở mọi người hãy chậm lại, chậm nữa, chậm hơn nữa...
Khu “Hành lang nói khẽ” nằm trong khu rừng gỗ sa mu, là một chiếc ghế cực to để nhiều người có thể ngồi hoặc nằm. Ông Cam Minh Nguyên cho biết: “Du khách khi lên núi nếu không đi bộ, thì sẽ là ngồi nghỉ, hiếm khi được trải nghiệm nằm trong rừng. Làm chiếc ghế có thể nằm ngả này là muốn cho mọi người đều có cơ hội được trải nghiệm”.
Tại vùng núi Thạch Bích, thôn Thảo Lĩnh, chính quyền huyện Vân Lâm đã cho xây dựng Khu chữa lành theo liệu pháp rừng đầu tiên ở Đài Loan với tre là yếu tố chủ chốt.
Ông Cam Minh Nguyên, người phụ trách của Văn phòng kiến trúc sư D.Z. Architects & Associates, đã mở ra trang mới cho Đài Loan về hiện đại hóa các công trình làm bằng tre.
Mê cung “Minh Trận” và nhà vòm tre đem lại sự tĩnh tâm
Tại khu đất bằng ở điểm cao nhất cuối Đường mòn cổ Ngựa gỗ có “Sân khấu gió” giữa chốn thinh không, là nơi có thể ngồi để nhìn ngắm khung cảnh ngọn núi Jia-nan-yun và đỉnh Ngọc Sơn (Yushan) - ngọn núi cao nhất Đài Loan
Ngay gần đó là mê cung “Minh Trận” - địa điểm lý tưởng để thiền hành (tập thiền trong lúc bách bộ). Với những viên đá được khảm vào đất để vẽ thành cung đường, áp dụng thiết kế đường xoắn ốc kép, đường đi vào và đi ra khác nhau, không giao nhau, nhìn hình dáng thấy có vẻ đơn giản nhưng cách vận hành có quy tắc riêng, để du khách có thể tĩnh tâm trong lúc đi bách bộ hoặc sử dụng làm địa điểm tổ chức hoạt động chữa lành tập thể.
Điểm nằm sâu nhất của Công viên sáng tạo rừng tre Thạch Bích ở phần cuối vùng sống núi chính là “Nhà vòm tre”. Nhóm thiết kế đã sử dụng trúc Mạnh Tông để thiết kế một nhà vòm có kết cấu lớp vỏ bọc mỏng mặt cong có 3 lớp nối với nhau, với nhịp rộng 18 mét có thể chống lại sức gió của đường sống núi. Bề mặt cũng tạo cảm giác như được đan dệt thành, phần mái lợp bằng những tấm đồng đỏ sẽ biến đổi theo thời gian trong ngày, từ màu đồng sáng bóng thành màu nâu sậm, rồi màu xanh xám, làm toát lên sự hài hòa với môi trường thiên nhiên.
“Kết cấu vỏ mỏng thường được làm bằng bê tông cốt thép, rất hiếm khi thấy dùng nguyên liệu tre. Các hội viên của Hiệp hội tre Thế giới đã rất ngạc nhiên khi đến đây tham quan”, ông Cam Minh Nguyên chia sẻ với vẻ đầy tự hào. Có một điều thú vị nữa là công trình nhà vòm này vốn có tạo hình chiếc chuông bát, kết hợp với các nguyên liệu từ thiên nhiên như tre và lá đồng đã tạo ra một môi trường âm thanh có cấu tạo hình tròn. Tổ chức hoạt động trải nghiệm trị liệu bằng chiêng đồng trong nhà vòm này, khi chiêng đồng được đặt sát tường, đặt ở giữa thì âm thanh sẽ dội lại, tạo ra những hiệu ứng khác nhau bởi sự dao động của tần sóng âm thanh.
Khuôn viên “Tiểu sài hiên” ở ngay bên cạnh “Nhà vòm tre” là khu nhà vệ sinh ngắm cảnh rất đặc biệt. Nhóm thiết kế đã lấy gỗ tuyết tùng của địa phương để làm thành tường, nhà vệ sinh giống như một khoảng sân nhỏ độc lập, phần mái được thiết kế kiểu hở một nửa. Nhìn từ trên cao xuống, “Tiểu sài hiên” giống như đội một chiếc nón tre. Trong lúc đi vệ sinh, du khách có thể nhìn thấy rừng trúc, nhìn ngắm bầu trời, tận hưởng phong cảnh ngoài trời.
Kiến trúc sư Cam Minh Nguyên đã sáng tạo ra nhà vệ sinh giúp người dùng có thể cảm nhận được phong cảnh tuyệt vời của núi non. “Đó chính là ý nghĩa sâu xa của “sự giải phóng”, cảm nhận của cơ thể sẽ cho bạn thấy rõ: Ôi! Dễ chịu làm sao!”
Những cây tre tròn trặn, loại vật liệu đầy lý thú
Biến khuyết điểm của tre thành ưu điểm, đó chính là đặc trưng lớn nhất của Công viên sáng tạo rừng tre Thạch Bích. Thực ra, tre rất có cá tính, những cây tre tròn trặn, có đủ kích thước to nhỏ khác nhau, ngọn và gốc có hình dáng không giống nhau, vì vậy có thể tạo ra những sự biến đổi độ cong khác nhau, không tiện lợi bằng vật liệu gỗ. Nhưng ông Cam Minh Nguyên cho biết, nếu sử dụng cho kết cấu hình cong thì từ khuyết điểm lại biến thành ưu điểm, có thể nung nóng để uốn cong, định hình, buộc nút, lợi dụng độ cong để làm thành dạng hình vòm, thiết kế của các cấu trúc bằng tre trong công viên đều cố gắng thể hiện sự đặc biệt của tre.
Nhà trị liệu theo liệu pháp rừng Lâm Gia Dân cho biết, rừng trúc xanh tươi mặc dù là màu xanh lục nhưng hình thành các lớp màu đậm nhạt xếp so le với nhau, tạo khả năng chữa lành bằng màu sắc rất cao. Tre Mạnh Tông là giống tre thân đơn mọc phân tán, phần thân cây nằm dưới đất mọc ngang, bước đi trên con đường trong rừng tre có cảm giác êm ái, sự thư giãn rất nhẹ nhàng bay bổng cũng giúp giải tỏa áp lực rất tốt. Đặc biệt hơn nữa, cành tre và lá tre đung đưa trầm bổng tùy theo cơn gió lúc mạnh lúc nhẹ, tạo ra âm thanh xào xạc. Những nhịp điệu trong lành thuần khiết của rừng trúc giúp tâm hồn con người càng được chữa lành hơn.
Vào mùa xuân năm 2024, 200 hội viên của Hiệp hội tre Thế giới đến từ gần 30 quốc gia ở 5 châu lục lớn, đã dạo bước trên những con đường mòn trong rừng tre Mạnh Tông và những tác phẩm cảnh quan được làm bằng tre trong Khu chữa lành rừng Thạch Bích, thưởng thức những món ăn sáng tạo chế biến từ măng tre địa phương và dùng các loại đồ đựng cũng được làm từ tre, trải nghiệm một bữa tiệc đồ tre thủ công mỹ nghệ vô cùng sống động. Chính vì vậy, Vân Lâm đã được Hiệp hội tre Thế giới phong danh hiệu “Biểu tượng mới của thế giới tre trúc”.
Cây tre, bám rễ rất chắc trong những kẽ đá, trải qua biết bao sương gió vẫn vươn thẳng, vậy thì cớ sao lại không bách bộ trong Khu chữa lành rừng Thạch Bích, để những rừng tre bạt ngàn giúp gột rửa bụi trần cho lữ khách phương xa.