Phép thuật chữa lành của đảo rừng
Rừng bách ở Alishan
Bài‧Mei Kuo Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧Tố Kim
Tháng 4 2025

Phía dưới những cánh rừng bách trong Khu giải trí rừng quốc gia Alishan được bao phủ bởi lớp cây hà thủ ô, trông giống như những thần tiên tí hon đang ẩn mình trong thảm cỏ xanh và sẵn sàng nhảy ra khỏi đám cỏ vui đùa cùng con người.
Đài Loan là một hòn đảo có nhiều rừng rậm. Diện tích hòn đảo chỉ vỏn vẹn có 36.000 km2 nhưng có đến hơn 60% diện tích đất được bao phủ bởi rừng với 268 ngọn núi cao trên 3.000 m. Đây là mật độ hiếm thấy trên thế giới.
Núi cao và rừng rậm có hệ động thực vật phong phú. Lần này, chúng ta không tham gia một chuyến du lịch nhanh mà theo chân các hướng dẫn viên và chuyên gia trị liệu rừng để thực hiện cuộc trải nghiệm đắm chìm cùng nhịp thở của rừng núi Đài Loan, để thiên nhiên chữa lành cả thể chất lẫn tinh thần.
“Chọn một cái cây và dựa vào nó”, “Cảm nhận luồng không khí đi qua khứu giác”, “Nhặt những chiếc lá rụng bên cạnh bạn, xoa chúng vào lòng bàn tay rồi thưởng thức hương thơm tỏa ra từng những chiếc lá này”, “Hãy lắng nghe những âm thanh xung quanh bạn”… “Cuối cùng, hãy từ từ xoay vòng và tìm hướng bạn muốn dừng lại”, “Từ từ mở mắt ra và đón nhận một cách chân thành nhất món quà mà thiên nhiên ban tặng trước mắt bạn”.
Đến đường mòn cây gỗ cẩm lai ở Công viên rừng Xinwei thuộc Khu phong cảnh quốc gia Maolin, hướng dẫn viên trị liệu rừng (Forest Therapy/ Shinrin-Yoku) kiêm giám sát viên đào tạo nhân viên trị liệu rừng Trương Đình Vĩ (Juna Chang), người Đài Loan đầu tiên được Hiệp hội Trị liệu rừng và tự nhiên Hoa kỳ (ANFT) cấp bằng chứng nhận, dùng giọng nói nhẹ nhàng, êm ái dẫn dắt các hướng dẫn viên rừng đang theo học khóa đào tạo cách đánh thức 5 giác quan trải nghiệm nhịp thở của núi rừng.

Đường mòn trị liệu Thủy Sơn (The Shuishan Healing Trail), Alishan - tuyến đường theo chủ đề trị liệu rừng đầu tiên tại Đài Loan.
Rừng – chốn dừng chân thư giãn
“Từ ‘rừng’ (Forest) trong tiếng Anh thực chất là sự kết hợp của for + rest, có nghĩa rừng là nơi để nghỉ ngơi”. Ông Dư Gia Bân (Yu Chia-pin), Giáo sư khoa Môi trường và Tài nguyên rừng của Đại học Quốc gia Đài Loan và là Chủ tịch Hiệp hội Trị liệu rừng Đài Loan (The Taiwan Forest Therapy Society) cho biết trong gần 200 năm qua, công nghiệp hóa đã gây ô nhiễm môi trường và áp lực trong cuộc sống, dẫn đến nhiều căn bệnh của nền văn minh. Bằng chứng khoa học cho thấy, oxy trong rừng, chất phytoncide do thực vật tỏa ra, sương mù hoặc các phân tử nước cùng các ion âm được tạo ra do sự ma sát của không khí, thực sự có thể ổn định cảm xúc, giảm mệt mỏi, chữa lành cơ thể, tâm trí và tinh thần.
Phương pháp trị liệu trong rừng này cũng là một hình thức du lịch trải nghiệm cuộc sống chậm rãi, thích hợp cho tour nhóm nhỏ. Cô Trương Đình Vĩ cho biết, người tham gia có thể thoát khỏi cuộc sống hối hả, chậm rãi hòa nhập và tập trung vào những sự vật hiện tại, qua đó hàn gắn mối quan hệ giữa bản thân với mọi người, với đất mẹ, đồng thời khơi dậy cảm hứng sáng tạo.
Phương pháp trị liệu rừng hiện nay đã trở thành xu hướng trên thế giới. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Đức sử dụng trị liệu rừng như một hình thức chăm sóc sức khỏe dự phòng quốc gia hoặc điều trị hỗ trợ. Khí hậu Đài Loan nằm giữa vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới với địa hình nhấp nhô, nhiều núi cao và rừng, tỷ lệ che phủ rừng tại Đài Loan là 60%, đứng thứ 7 châu Á, trong diện tích 36.000 km2 có 268 ngọn núi cao trên 3.000 m, mật độ hiếm thấy trên thế giới. Rừng núi Đài Loan sản sinh hệ sinh thái động thực vật phong phú, đáng để mọi người thả bước chậm lại, cảm nhận sức mạnh chữa lành kỳ diệu của thiên nhiên.

Hướng dẫn viên trị liệu rừng kiêm giám sát viên đào tạo nhân viên trị liệu rừng Trương Đình Vĩ (Juna Chang) hướng dẫn học viên cách trải nghiệm núi rừng bằng 5 giác quan.
Đường mòn trị liệu trong rừng đầu tiên của Đài Loan: Đường mòn Thủy Sơn, núi Alishan
Núi Alishan (A Lý Sơn) có rừng bách phong phú. Trong thời kỳ Nhật Bản cai trị, núi Alishan, núi Thái Bình và núi Bát Tiên là 3 khu rừng lớn nhất ở Đài Loan. Ông Vương Thăng Dương (David Sheng-yang Wang), Giáo sư khoa Lâm nghiệp, Đại học Quốc lập Trung Hưng (National Chung Hsing University) cho biết, cây bách là loài thực vật còn sót lại từ thời kỳ băng hà, chủ yếu phân bố ở các vùng ôn đới ấm áp. Trên thế giới chỉ còn lại 6, 7 loài bách mà Đài Loan có đến 2 loài là bách đỏ và bách Formosan. Mặc dù núi Alishan ở vùng nhiệt đới nhưng lại nằm trong vùng mây mù ở độ cao 2.000 m so với mực nước biển. Do môi trường ấm áp và ẩm ướt nên nơi đây có rất nhiều cây bách đỏ độc đáo trên thế giới. Khi gỗ tiếp xúc với không khí ẩm ướt, rất dễ giải phóng chất monoterpenoid, phytoncide và ion âm với nồng độ trên 1.000 đơn vị/cm³, cảnh quan rừng lại được bảo tồn nguyên vẹn nên có thể làm giảm huyết áp, thư giãn sóng não, giảm stress và căng thẳng, là một nơi tuyệt vời để trị liệu rừng.
Do nguồn tài nguyên cây bách phong phú, đường sắt rừng Alishan đã được xây dựng trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan. Khu giải trí rừng quốc gia Alishan có “5 kỳ quan” bao gồm: xe lửa rừng Alishan, cây thần mộc, biển mây, bình minh và áng mây lúc hoàng hôn, quần thể cây khổng lồ cũng rất nổi tiếng trên thế giới, là khu vực giải trí trong rừng nổi tiếng nhất, được yêu thích nhất và kinh điển nhất ở Đài Loan.
Nhờ những lợi thế về lịch sử, nhân văn và thiên nhiên, Sở Lâm nghiệp đã xây dựng tuyến đường mòn trị liệu đầu tiên của Đài Loan tại Khu giải trí rừng Alishan - Đường mòn trị liệu Thủy Sơn (The Shuishan Healing Trail). Con đường mòn dài 863m, tương đối bằng phẳng, được bao quanh bởi những cây bách xanh tươi, cho phép du khách tận hưởng trọn vẹn khu “rừng bách” này.
Chi nhánh Sở Lâm nghiệp Gia Nghĩa đã mời ông Lâm Gia Dân (Paul Lin), một nhà trị liệu rừng và là thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội Trị liệu rừng Đài Loan (Taiwan Forest Therapy Society), cùng nhóm thiết kế của ông thiết kế Đường mòn trị liệu Thủy Sơn, quy hoạch 4 không gian trị liệu bao gồm “Lớp học Thủy Sơn”, “Sâm Chi Tọa”, “Ý tưởng địa” và “Sâm thiên quan ảnh”, thiết kế phù hợp với địa điểm theo các phương pháp trị liệu “hạp”, “thổ”, “tàng” và “ngọa”. Mỗi cột giải thích đều có Bluetooth truyền tải nội dung trị liệu. Những du khách lần đầu đến đây có thể tải ứng dụng “Alishan Forest Tour” để tự thực hiện các hoạt động chữa lành bất cứ lúc nào.

Phó Giáo sư Dương Trí Khải của khoa Lâm nghiệp, Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc lập Bình Đông hướng dẫn các hướng dẫn viên trị liệu rừng đang theo học khóa đào tạo cách nhận biết các loài thực vật trong rừng.
Vứt bỏ gánh nặng, mở mang tâm trí
Vào đầu tháng 5 cuối mùa xuân, dưới sự hướng dẫn của hướng viên trị liệu rừng Vương Sâm Lâm (Wang Sen-lin), du khách đi vào con đường mòn trị liệu Thủy Sơn để trải nghiệm liệu pháp trị liệu rừng.
Tiếng hót của chim sẻ ngực vàng (Liocichla steerii), họa mi quán vũ (Yuhina brunneiceps), họa mi tai trắng (Heterophasia auricularis), chim gõ kiến bụng trà (Sitta europaea)..., thánh thót gần xa, con xướng con họa giống như đang “tap-tshuì-kóo” (đấu khẩu). Nơi đây rất gần tuyến đường sắt xuyên rừng, đoàn xe lửa nhỏ thổi còi chuẩn bị khởi hành đúng giờ qui định. “Tâm càng tĩnh lặng, càng có thể nghe được những thanh âm rất nhỏ”, hướng dẫn viên Vương Sâm Lâm nói.
Đi bộ đến khu “Sâm Chi Tọa”, đối diện bệ gỗ có 2 cây bách, du khách có thể ngồi trên bệ gỗ, mở rộng lồng ngực, hít vào và thở ra thật sâu, lúc này chất phytoncide tràn đầy lồng ngực, bộ não cũng cùng “sảng khoái”.
Hôm trước, khu vực núi Alishan trải qua một trận mưa lớn, những lớp cây hà thủ ô mọc dưới rừng cây trở nên mềm mại và xanh hơn khiến mọi người không thể không dừng lại ngắm nhìn, cảm giác như thể những thần tiên tí hon trong rừng đang nấp dưới đám cỏ quan sát bạn, hoặc có thể nhảy ra khỏi đám cỏ để nhảy nhót cùng bạn.
Rẽ qua góc đường là đến khu “Ý tưởng địa”, được cho là nơi yên tĩnh nhất của đường mòn. Bên lề đường có 1 gốc cây nhô ra, trên thân cây có 1 cái hốc, nơi đây du khách có thể dốc bầu tâm sự với cây, chia sẻ cảm xúc tận đáy lòng của mình.
Tiếp tục tiến về phía trước đến khu “Sâm thiên quan ảnh”. Nơi này có một sàn gỗ hình tròn, du khách có thể nằm xuống, dang rộng vòng tay, nhìn lên bầu trời và tắm mình trong ánh nắng mặt trời. “Nằm ở độ cao 2.400 m so với mực nước biển, tưởng tượng mình đang lướt trên ngọn cây, cưỡi mây đạp gió và bay vút lên bầu trời, như thể không có rào cản nào trong cuộc sống mà không thể vượt qua”, hướng dẫn viên Vương Sâm Lâm nói.
Chất phytoncide và các ion âm trong rừng có thể kích thích trí tưởng tượng của bạn, bạn sẽ phát hiện cây cối có nhiều biểu cảm và phong cách khác nhau. Hướng dẫn viên Vương Sâm Lâm chỉ vào một cây được cho là “Cây bách tù trưởng”. Các mắt gỗ, rêu bám trên thân cây và vỏ cây bong tróc tình cờ kết hợp lại với nhau giống như chiếc mũ lông vũ, mặt nạ của tù trưởng.
Núi Alishan với độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển nằm trong vùng rừng sương mù của Đài Loan. Buổi chiều, sương mù bất ngờ xuất hiện trên núi, ánh sáng mặt trời di chuyển xuyên qua các khe hở giữa các đám mây và xuyên qua sương mù, tạo thành vầng hào quang tựa như “Ánh sáng Chúa Jesus” rực rỡ, khiến du khách vừa ngạc nhiên vừa thích thú.
Điểm cuối của con đường mòn là cây thần mộc ngàn năm “Thủy Sơn Đại Thụ” 1.081 tuổi. Du khách có thể gặp gỡ thần mộc, ngồi nghỉ trên đài quan sát xung quanh đó, ngước nhìn khí thế hùng vĩ của cây cổ thụ cao ngút trời.

Du khách có thể nằm thư giãn trên sàn gỗ hình tròn tại khu “Sâm thiên quan ảnh”, đắm mình dưới ánh nắng mặt trời.
Vườn thực vật núi Alishan, địa điểm trị liệu rừng
Sở Lâm nghiệp đã lên kế hoạch xây dựng địa điểm trị liệu rừng tại Vườn thực vật núi Alishan, nằm giữa ga xe lửa Trúc Sơn và đài quan sát núi Ogasawara. Khu vườn có nguồn tài nguyên động thực vật phong phú, đường bậc thang bằng đá, đài quan sát và một tòa kiến trúc bằng gỗ.
Không gian ở tầng 1 của tòa kiến trúc bằng gỗ là một cơ sở trị liệu, có thể tập yoga, tổ chức tiệc trà và các khóa học trị liệu rừng. Tầng 2 là không gian ăn uống, nhà kinh doanh cung cấp “ẩm thực địa phương”, du khách có thể thưởng thức một tách trà núi cao Alishan, nhâm nhi cà phê Yunhai, ăn một tô mì chỉ trộn dầu trà đắng, cảm nhận quang cảnh địa phương bằng khứu giác và vị giác.
“Hôm qua Alishan đổ một trận mưa giông thật to, chúng tôi cứ tưởng sẽ không có khách. Thật bất ngờ, khách du lịch từ Hà Lan, Đức và New Zealand không ngại mưa to gió lớn, đã đến đây và ngồi suốt cả buổi chiều, vui đến không muốn về”, chủ quán cho hay.
Hương thơm của những cánh rừng Đài Loan luôn khiến người ta lưu luyến không rời. Vì thế, Sở Lâm nghiệp đã sản xuất 3 loại nước hoa rừng gồm: thảo mộc, hoa quả và hương gỗ với hương nền là cây bách Đài Loan (Calocedrus formosana), một trong “Năm loại cây lá kim quý giá của Đài Loan”. Ngoài ra, Sở Lâm nghiệp còn sáng lập thương hiệu “Alishan 2488m”, du khách có thể mang về những sản phẩm văn hóa sáng tạo mang hương thơm của cây gỗ quý giá và hương rừng Đài Loan.

Kiến trúc tre tại Caoling Shibi ở Vân Lâm là một không gian trải nghiệm trị liệu bằng rừng tre.
Cảm xúc rung động, mang sức mạnh chữa lành của rừng về nhà
Ngoài Alishan, “Đường mòn tĩnh lặng” đầu tiên trên thế giới và là đường mòn yên tĩnh nhất Đài Loan-Khu giải trí rừng quốc gia Taipingshan (Taipingshan National Forest Recreation Area) cũng là địa điểm trị liệu rừng tuyệt vời. Đường mòn trên núi vòng quanh hồ Thúy Phong ở khu vực này cách xa sự ồn ào náo nhiệt. Ven đường mòn là rừng bách sum suê tươi tốt, mặt đất bên dưới được phủ một lớp rêu dày, giống như miếng bọt biển hấp thụ âm thanh tự nhiên, âm lượng thấp nhất không đến 25 dB. Giám đốc Sở Lâm nghiệp Lâm Hoa Khánh (Lin Hwa-ching) nói rằng, “Chỉ cần thiền định hoặc không làm gì cả, lắng nghe những gì thiên nhiên đang mách bảo bạn, cũng đã mang lại tác dụng chữa lành hiệu quả” .
Tại Khu giải trí rừng quốc gia Song Lưu (Shuangliu National Forest Recreation Area), đi ngược theo dòng sông Phong Cảng (Fenggang) đến thác Song Lưu (Shuangliu), nơi từng được bình chọn là “Thác nước đẹp thứ hai ở Đài Loan”. Nơi đây có nhiều ion âm và không khí trong lành. Hàm lượng ion âm trong rừng cẩm lai lá lớn và Trung tâm Phục vụ du khách của Khu giải trí rừng quốc gia Tri Bổn (Zhiben National Forest Recreation Area) cao gấp 2-8 lần so với khu vực thành thị, cùng với những làn suối nước trong vắt, kết hợp ẩm thực truyền thống của người dân tộc nguyên trú và suối nước nóng, giúp mọi người có thể thả lỏng cơ thể, thư giãn tâm trí, cơ bắp và xương khớp.
Có thứ gì đang chuyển động trong rừng? “Trái tim tôi đang rung động”.
Trăm câu nói hay không bằng một hành động thiết thực! Hãy bước ra khỏi vùng an toàn của bạn, đi vào rừng, ngửi hương thơm của cây cỏ hoa lá, ngắm nhìn sự thay đổi khôn lường của ánh sáng, lắng nghe tiếng thì thầm của cây cối, cảm nhận làn gió gửi nụ hôn lên đôi má và tận hưởng sự kỳ diệu mà núi rừng Đài Loan mang lại cho cơ thể và tâm hồn bạn!

Hồ Thúy Phong trên núi Thái Bình rất yên tĩnh, chỉ cần thiền định và lắng nghe âm thanh của thiên nhiên cũng đủ để tâm hồn thanh thản. (Ảnh: Chuang Kung Ju )