Cuộc du hành trong dòng thời gian
Phong cảnh Đài Nam trong phim “ Muốn gặp anh”
Bài‧Chen Chun-fang Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧Tố Kim
Tháng 10 2023
Bộ phim truyền hình Đài Loan “Muốn gặp anh” đã thu hút sự chú ý của quốc tế, những cảnh quay trong phim đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách đến thăm. (Ảnh: Trang Fanpage của phim “Muốn gặp anh”).
曾囊括金鐘獎多項大獎的台劇《想見你》,2022年底同名電影上映,劇中演員所到之處無不造成轟動。這股《想見你》旋風,帶動了取景地點的旅遊風潮。
Bộ phim truyền hình Đài Loan “Muốn gặp anh” (Someday or Oneday) đã giành được nhiều thành tích nổi bật tại Giải thưởng Chuông vàng (Golden Bell Awards). Vào cuối năm 2022, bộ phim điện ảnh cùng tên được phát hành, các diễn viên trong phim đi đến đâu đều gây chấn động đến đó. Cơn lốc của bộ phim “Muốn gặp anh” đã thúc đẩy làn sóng du lịch đến những thắng cảnh xuất hiện trong bộ phim này.
Cảnh đầu tiên của phim “Muốn gặp anh” mở đầu bằng bài hát “Last Dance” của ca sĩ Ngũ Bách (Wubai). Giọng hát trầm ấm dễ làm người nghe say đắm pha chút âm điệu tiếng Đài của ca sĩ Ngũ Bách tượng trưng cho hình ảnh Đài Loan trong bộ phim này.
Bản sắc Đài Loan được sắp xếp tỉ mỉ từng chi tiết
Bộ phim “Muốn gặp anh” miêu tả nhân vật nữ chính trong phim-Hoàng Vũ Huyên mất đi người mình yêu thương nhất. Sau khi trở về quá khứ, Hoàng Vũ Huyên biến thành Trần Vận Như với hình hài giống nhau như đúc nhưng tính cách lại khác nhau hoàn toàn. Tại đây, cô gặp một người giống hệt bạn trai của cô và thế là từ đó hình thành nên câu chuyện về tình bạn và tình yêu tuổi thanh xuân, đồng thời đây cũng là một bộ phim drama truy tìm kẻ sát nhân hồi hộp và căng não.
Trong giai đoạn ấp ủ kịch bản, đội ngũ sáng tạo đã cố ý đưa nét đặc sắc của văn hóa Đài Loan vào tác phẩm nhằm củng cố sức mạnh xuyên thấu của bộ phim. Chẳng hạn như chiếc “băng cassette” quan trọng xuyên suốt bộ phim, tuy cố tình không chọn ca khúc chủ đề nhưng các bài hát ở mặt B của băng lại được mọi người yêu thích, đặc biệt là giọng hát rất dễ nhận biết của Ngũ Bách. “Khi viết tác phẩm “Muốn gặp anh”, chúng tôi muốn tạo ra một tác phẩm mà khán giả chỉ mới nghe và xem thôi là đã thấy rất đậm chất Đài”, biên kịch Giản Kỳ Phong (Chien Chifeng) nói.
Việc chọn Đài Nam làm phim trường chính cho bộ phim cũng giống ý tưởng trên. Biên kịch Giản Kỳ Phong cho biết, so với các thành phố khác, Đài Nam mang một vẻ đặc trưng của Đài Loan, những ngôi nhà cổ mang đậm nét kiến trúc độc đáo đã tạo nên văn hóa ngõ hẻm của cố đô. Ví dụ, tiệm băng đĩa số 32, nhà của Trần Vận Như đều được quay trong các con hẻm và những ngôi đền chùa tình cờ lọt vào ống kính làm tô đậm thêm nét đặc sắc của Đài Loan.
Bước vào vòng quay thời gian của Đài Nam
Chúng tôi tìm đến ông Tạ Sĩ Uyên (Hsieh Shih-yuan), Giám đốc Sở Văn hóa thành phố Đài Nam, là người chuyên nghiên cứu về ẩm thực và lịch sử, để nghe ông giải thích về văn hóa ngõ hẻm của Đài Nam. “Đài Nam kế thừa bố cục của một phủ thành thời nhà Thanh và vẫn giữ được mạch nguồn văn hóa cộng đồng của các thời đại khác nhau. Khi đi vào các ngõ hẻm của Đài Nam, chúng ta thấy đường phố có thể sẽ không thẳng, không rộng, càng không thể thấy những ngôi nhà được xây theo tiêu chuẩn của căn nhà phố, mà chỉ có những ngôi nhà được xây dựng dựa theo điều kiện không gian của các con hẻm”. Trong mắt ông Tạ Sĩ Uyên, những gì nhìn thấy trong văn hóa ngõ hẻm chính là thái độ của người Đài Nam khi xây dựng ngôi nhà của mình, từ việc lựa chọn khung cửa sổ hoa sắt cho đến cây trồng trước cửa v.v..., tất cả đều là sự kiên trì và công nhận lối sống của cộng đồng.
Nhiều người đến Đài Nam là để thưởng thức các món ngon, họ sẽ lên lịch trình “ăn” sao cho hiệu quả nhất. Ông Tạ Sĩ Uyên, người chuyển đến Đài Nam sinh sống đã nhiều năm cười nói: “Đây quả là cuộc chiến tranh tâm lý vô cùng khó khăn”. Ở Đài Nam, bạn phải để mình sống chậm lại, thành phố này không bị giới hạn bởi nhịp sống của xã hội công nghiệp và thương mại hiện đại. “Chính sự khác biệt về nhịp sống này khiến tôi phát hiện ra rằng sống ở Đài Nam thật thoải mái”.
Từ xưa, Đài Nam đã là nơi tụ hội những người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới, khoác lên mình nét thẩm mỹ của các thời đại khác nhau, nhìn những ngôi kiến trúc là có thể thấy được điều đó.
Quan sát tỉ mỉ khu An Bình qua các thời đại
Bộ phim Đài Loan “Muốn gặp anh” kể về câu chuyện xảy ra tại Đài Nam vào năm 1998. Trong phim có đoạn Lý Tử Duy, nam chính trong phim, khi đó còn là học sinh trung học, vô tình gặp nhân vật nữ chính Hoàng Vũ Huyên 6 tuổi đang đi lạc, “Có một kiến trúc màu trắng, cao cao, mái nhà nhọn nhọn, màu đỏ và có cả biển nữa”. Cô bé mô tả manh mối về nơi ở của bà nội cho chàng trai nghe. Lý Tử Duy đã phải suy luận rằng, nơi mà cô bé miêu tả có thể là An Bình, nơi có Pháo đài An Bình. Vậy là Lý Tử Duy chở cô bé đi tìm nhà bà nội, trên đường đi lúc thì họ ghé uống nước giải khát trước đền Khai Đài Thiên Hậu (Kaitai Tianhou), khi thì ghé làm kẹo tổ ong và chơi bắn bi, không khí vui vẻ với những trò chơi, thức ăn ngon miệng nơi đây đã khơi dậy sự tò mò cho khán giả về khu An Bình.
Chúng tôi đã mời ông Tạ Minh Hựu (Hsieh Ming-yu), nhà sản xuất âm nhạc lớn lên ở An Bình làm người hướng dẫn đưa chúng tôi đi tham quan. Đứng trước Pháo đài An Bình, ông nói: “Đài Loan trong thời đại hàng hải thực sự rất phát triển”. Vào thế kỷ 17, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã thành lập cơ sở thương mại tại An Bình. Pháo đài được xây dựng vào năm 1624, ban đầu có tên là Oranje, sau đổi tên thành Zeelandia. Cho đến năm 1662, Trịnh Thành Công đã đánh đuổi người Hà Lan ra khỏi Đài Loan, đổi tên nơi đây thành thị trấn An Bình và cư trú ở đây. Vì vậy, pháo đài này được người dân địa phương gọi là Vương Thành.
Sau nhiều lần thay đổi chế độ, pháo đài Zeelandia từ lâu chỉ còn lại những bức tường gạch. Pháo đài An Bình mà chúng ta thấy ngày nay là pháo đài được xây dựng lại trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan, sau đó được chính quyền thành phố Đài Nam trùng tu, xây thêm mái nhọn cho đài quan sát và sơn bức tường màu trắng, trở thành hình dáng như ngày nay. Ông Tạ Minh Hựu cho biết, nếu muốn xem những bức tường gạch thời Hà Lan thì chúng ta hãy chú ý quan sát những ngôi nhà xung quanh pháo đài, bạn sẽ phát hiện ra những điều thú vị. Các tòa nhà được xây dựng vào thời Hà Lan chiếm đóng Đài Loan không dùng xi măng mà dùng vỏ hàu nghiền thành bột, thêm nước gạo nếp, nước đường để kết dính các viên gạch, vì vậy, ta có thể nhìn thấy màu trắng của vỏ hàu trong khe tường gạch đỏ được xây dựng vào thời đó. Nếu thấy một bức tường gạch ở An Bình với những viên gạch đỏ có độ dày khác nhau, thì chắc chắn nó được xây vào các thời kỳ khác.
Quan sát những bức tường gạch ở An Bình ta có thể biết được lịch sử nơi đây. Nếu phát hiện độ dày mỏng khác nhau của gạch đỏ, có nghĩa là chúng được xây dựng vào những thời kỳ khác nhau.
Trong 400 năm qua, Pháo đài An Bình là nơi tập hợp những câu chuyện về các nhóm dân tộc khác nhau.
Tín ngưỡng ở An Bình
An Bình là một vũ đài để Đài Loan vươn ra thế giới, nơi đây có những người nhập cư đến từ khắp nơi và những người này cũng mang đến nơi đây tín ngưỡng của họ. Ông Tạ Minh Hựu giải thích, An Bình là nơi sản sinh văn hóa “Giác đầu” của Đài Loan. “Giác đầu” tiếng Mân nam đọc là kak-thâu tức là làng mạc, là thôn xóm. “Điểm quan trọng nhất của văn hóa thôn xóm là mọi người đều thờ phụng cùng một vị thần thánh, có cùng hoạt động cúng tế” như Khai Chương Thánh Vương, Bảo Sanh Đại Đế. Và khi trong thôn xóm xảy ra những vụ tranh chấp thì Khai Đài Thiên Hậu Cung sẽ đứng ra xử lý duy trì lẽ phải.
Sở dĩ gọi là đền Khai Đài Thiên Hậu là vì trong đền thờ phụng Thiên Hậu Thánh mẫu. Đây là vị thần mà Trịnh Thành Công cung thỉnh từ Mi Châu đi theo phù hộ đội quân ông đưa sang Đài Loan đánh đuổi người Hà Lan.
Ông Tạ Minh Hựu đưa ra lời khuyên rằng, cách tốt nhất để tham quan An Bình là đi bộ. Khi có bạn bè đến thăm, ông sẽ đưa bạn đi xuyên qua những ngõ hẻm gần phố cổ, vừa đi vừa kể những câu chuyện của các ngôi đền trong từng thôn xóm nơi đây. Nếu ngẩng đầu nhìn kỹ, bạn có thể tìm thấy Thần Sư tử gió trên mái hiên của các ngôi nhà. Thuở sơ khai cư dân An Bình rất tôn thờ Thần Sư tử gió. Họ đặt Thần Sư tử gió quay mặt về hướng đông bắc, miệng há to, tượng trưng Thần Sư tử gió nuốt gió mùa đông bắc, phù hộ cho ngư dân được bình an. Đuôi của Thần Sư tử gió còn có một khe hở nhỏ, mỗi khi gió mùa đông bắc thổi qua sẽ phát ra âm thanh vù vù, báo cho cư dân biết gió mùa đông bắc về rồi, đây là lúc có thể ra khơi bắt cá đối.
Ông Tạ Minh Hựu (Hsieh Ming-yu), nhà sản xuất âm nhạc lớn lên ở An Bình cho biết, khi đi trên những con phố An Bình, tựa như bước vào một không gian lịch sử, khiến tâm hồn ta được đắm mình vào bầu không khí đó.
Đến thăm An Bình đừng quên tìm Thần sư tử gió trên mái nhà và sư tử ngậm kiếm trên biển số nhà, để tăng thêm sự thú vị cho chuyến du lịch của bạn.
Sự tinh tế của ẩm thực Đài Nam
Khi đến Đài Nam du lịch, ta không nên bỏ qua việc thưởng thức ẩm thực của vùng này. Qua sự khảo sát kỹ càng và sắp xếp tỉ mỉ của tổ biên kịch, nhiều món ngon của Đài Nam đã được xuất hiện trong phim “Muốn gặp anh”. Chẳng hạn như Lý Tử Duy mua bánh Beh Teung Guai (白糖粿) ở trước cổng đền Diệu Thọ, An Bình. Dưới ống kính máy quay, bột nếp được vo thành hình xoắn ốc, cho vào chảo chiên đến khi lớp ngoài giòn giòn rồi vớt bánh lên, sau đó rắc đường và đậu phộng xay nhuyễn lên bánh.
Món bánh Beh Teung Guai phồng giòn bên ngoài, mềm dai bên trong, khi ăn có vị như mochi. Ông Tạ Minh Hựu chuyên quan sát ẩm thực trong cuộc sống ngày thường của người dân mô tả, “Beh Teung Guai là đại diện của những món ăn khiến cho mọi người sẵn sàng đầu hàng trước sự hấp dẫn của nó”. Bánh Beh Teung Guai ngon nhất là ăn lúc mới vừa chiên xong, vì vậy mọi người xếp hàng xung quanh quán hàng, chờ chủ quán chiên xong thì đứng ngay bên cạnh ăn liền.
Trong số những món ngon xuất hiện trong phim “Muốn gặp anh” khiến fan ẩm thực phải tìm đến Đài Nam thưởng thức còn phải kể đến món mì nước áp chảo Guo shao yi mian (鍋燒意麵).
Nhắc đến nét đặc biệt của món mì nước áp chảo Guo shao yi mian, tác giả chuyên viết sách ẩm thực Mimiko đến từ Đài Nam cho biết, theo tiêu chuẩn của bà đối với Guo shao yi mian là nó phải được nấu trong một chiếc nồi sắt nhỏ, sau đó đặt vào giữa một chiếc hộp rỗng làm bằng 4 thanh gỗ và được đưa ra cho thực khách trong khi đang sôi sùng sục.
Ông Tạ Minh Hựu cho hay, “Món mì Guo shao yi mian ngon là nhờ vào nước dùng của nó khác với các loại nước dùng khác”. Chủ tiệm dốc nhiều tâm huyết để nấu nước dùng với nguyên liệu rất phong phú, tận tâm trong từng chi tiết. Chẳng hạn như tiệm Xian Qing Ming Pin, bối cảnh trong phim “Muốn gặp anh”, bà chủ tiệm cho biết, hơn 5 giờ sáng là bà đã dậy nấu nước dùng với nhiều nguyên liệu tươi ngon và cá bào, còn miếng cá thu trong tô mì thì được bà ra chợ mua cá tươi mỗi ngày, mang về cắt miếng đem chiên. “Ba mẹ tôi đã làm như thế và chúng tôi vẫn giữ cách làm này cho đến bây giờ”, bà chủ tự hào nói.
Bối cảnh trong phim “Muốn gặp anh” tất nhiên không chỉ có những địa điểm kể trên, mà còn có cảnh mặt trời mọc ở Nhị Liêu khu Tả Trấn, tiệm kem đá bào Long Tuyền ở Ma Đậu, mì xào lươn đạt tiêu chuẩn của các nhà đầu bếp giỏi v.v... Qua sự truyền bá rộng rãi của bộ phim, bối cảnh đã trở thành các địa điểm hấp dẫn thu hút đông đảo khách du lịch ghé thăm. Đúng như ông Tạ Minh Hựu nói: “Đài Nam đáng để du khách ghé thăm ba lần trong năm”. Một nơi mà mọi người có thể đến thường xuyên để nghỉ ngơi, sống chậm và coi nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Sự quyến rũ của Đài Nam vừa hay tương đồng với tiêu đề của một tập trong phim “Muốn gặp anh”: “Cho tôi mượn một chút thời gian của bạn, để tôi có được vài kỷ niệm đẹp khó quên”.
Hãy bắt đầu cuộc hành trình ngay bây giờ để thưởng thức phong cảnh của Đài Nam trong phim “Muốn gặp anh”!
Bà chủ bán Beh Teung Guai ở trước cổng đền Diệu Thọ, một cảnh hàng quán xuất hiện trong phim “Muốn gặp anh”, cười nói, nhiều fan hâm mộ người Hàn Quốc vì thấy trong phim nên đã đến đây mua.
Tại Đài Nam, nước dùng trong mỗi tô mì guo shao yi mian đều là tâm huyết của mỗi cửa tiệm. Tiệm Xian Qing Ming Pin, bối cảnh trong phim “Muốn gặp anh” cũng không ngoại lệ.
Bối cảnh trong phim “Muốn gặp anh” mang đến cho ngành du lịch Đài Nam một góc nhìn khác. Bức ảnh này là quán mì nơi hai nhân vật nam chính ngồi ăn, bức bích họa trên tường khá độc đáo.
Tiệm kem đá bào Long Tuyền được người dân địa phương yêu thích, nhiều khách hàng đến đây ăn kem từ khi còn nhỏ cho
đến lúc bạc đầu. (Ảnh: Lin Min-hsuan)