Home

Du lịch

“Vàng đen” vùi trong đất

“Vàng đen” vùi trong đất

Đậu phộng kim cương đen và Nấm truffle của Đài Loan

Bài‧Cindy Li Ảnh‧Chuang Kung-ju Biên dịch‧Thúy Anh

Tháng 4 2025

Nấm truffle có vẻ ngoài không bắt mắt nhưng có giá trị rất cao, được mệnh danh là “kim cương trên bàn ăn”. Trong ảnh là loại nấm truffle mà nhóm nghiên cứu của hai ông Phó Xuân Húc và Lâm Giới Long tìm được tại xã Taimali, huyện Đài Đông.

Bất kể là đậu phộng (lạc) kim cương đen, đặc sản Đài Loan nổi tiếng trên thế giới bởi lớp áo màu đen, hay ngành trồng nấm truffle (nấm cục) đang trong giai đoạn khám phá và chờ đợi có thêm nhiều nguồn đầu tư để phát triển, đều là những đặc sản “vàng đen” quý giá của đảo ngọc Đài Loan.

Bên trong đậu phộng kim cương đen là những hạt đậu có màu đen khác biệt so với lớp vỏ màu vàng đất.

Đậu phộng kim cương đen, món quà trời ban cho Đài Loan

Nhà thơ Đài Loan Trần Kim Ba (Chen Jin-po) từng có tác phẩm nổi tiếng “Lạc hoa sinh (Peanuts)”, trong đó viết “Thành du thư đãi thiêm trản, tác thiện do kham tá tửu thương”, có nghĩa là “Chế thành dầu thì có thể thắp sáng ngọn đèn, dùng để nấu ăn thì hợp với chén rượu”. Đậu phộng, được mệnh danh là “quả trường sinh”, là một thức ăn vặt yêu thích của người Đài Loan và cũng góp mặt trong nhiều hoạt động đời sống như dùng để thắp sáng đèn dầu, dưới ngòi bút của người thi sĩ, nó được miêu tả một cách vô cùng sống động.

Tại Đài Loan, loại đậu phộng thường thấy nhất là loại dùng để ép dầu có vỏ lụa màu nâu nhạt, ngoài ra còn có loại đậu phộng đỏ, hoa vằn và đậu phộng kim cương đen với vỏ lụa màu đen óng ánh.

 

Món quà trời ban cho xã Yuanzhang, huyện Vân Lâm

Có nhiều lời kể khác nhau về nguồn gốc của đậu phộng kim cương đen. Ông Trần Quốc Hiến (Chen Kuo-hsien) - người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu đậu phộng, đồng thời là nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp khu vực Đài Nam (Tainan District Agricultural Research and Extension Station) bày tỏ, phiên bản tương đối đáng tin là nông dân đã phát hiện ra giống đậu phộng đen này trong lúc trồng đậu phộng hoa vằn, vì tính hiếu kỳ nên đã cố tình giữ lại như là một món quà trời ban, kể từ đó, xã Yuanzhang, huyện Vân Lâm đã trở thành quê hương của giống đậu phộng kim cương đen này.

 

Ruộng đậu phộng xanh mướt được điểm xuyết bởi những cánh hoa vàng nhỏ xinh.

Giống đậu phộng đen khó chăm sóc

Đi giữa đồng ruộng của xã Yuanzhang, khắp nơi đều có thể thấy được cảnh tượng như trong miêu tả của nhà thơ Trần Kim Ba: “Phiên địa như nhân phi diệp lục, mãn viên nhược điệp thổ hoa hoàng”, ý là “Khắp nơi như phủ thảm xanh màu lá, khắp vườn trổ đầy những bông hoa vàng như cánh bướm”. Giữa những ruộng đậu phộng vừa gieo hạt, đâu đâu cũng thấy hoa đậu phộng màu vàng, nhỏ xinh, nở đan xen giữa những chồi non màu xanh lá.

Đối với ông Ngô Khởi Lỗ (Wu Qi-lu), cha của người sáng lập Happy Peanuts Ngô Văn Khâm (Wu Wen-qin), hoa nở là thời điểm người làm nông cần phải đặc biệt lưu ý.

Sở dĩ có tên gọi “Lạc hoa sinh” là vì khi cây đậu phộng nở hoa, thụ phấn và héo tàn, phần dưới của bầu nhụy sẽ chui vào trong đất rồi phát triển thành đậu phộng như chúng ta thường thấy. Trong khoảng thời gian này, đậu phộng cần được bổ sung nhiều dinh dưỡng hơn nữa, vì thế người nông dân cần phải chú ý chăm sóc, bón phân để giúp cho cây phát triển.

Thời gian sinh trưởng của cây đậu phộng kim cương đen là từ 110 đến 120 ngày, ngoài thường xuyên bón phân, người nông dân còn phải lưu ý chiều cao của cành và lá ở trên mặt đất, tránh để cho chúng sinh trưởng quá mức gây ảnh hưởng đến sự phát triển của đậu phộng ở trong đất.

 

Tiếp quản sự nghiệp gia đình từ tay bố mẹ là ông Ngô Khởi Lỗ (người thứ 2 từ phải qua) và bà Ngô Trương Cung Lý (người thứ 2 từ trái qua), hai anh em ông Ngô Văn Khâm (bìa phải), Ngô Văn Thắng (bìa trái), cùng những người anh em khác đã xây dựng nên thương hiệu “Happy Nuts”, mở ra thêm các kênh phân phối với hy vọng có thể giúp đậu phộng kim cương đen nhận được nhiều sự quan tâm hơn.

Bên trong trái tim màu đen chứa chan sự tận tâm bảo vệ

Trong thơ của thi sĩ Trần Kim Ba từng cảm thán rằng: “Tôi yêu ngày thu hoạch mùa thu, hương vị còn vương vấn mãi không phai”. Bất kể là kẹo đậu phộng, chè đậu phộng, hay đậu phộng trong bánh ú, mọi món ăn mặn và ngọt có đậu phộng đều khiến cho ta phải mê mẩn.

Nhưng anthocyanidins trong đậu phộng kim cương đen khi gặp nước sẽ bị tan ra, cho nên khi dùng để nấu ăn, nó có khả năng sẽ nhuộm đen các nguyên liệu thực phẩm khác, vì thế cho nên ta thường thấy đậu phộng kim cương đen chỉ được bán dưới dạng đậu phộng còn nguyên vỏ.

Những hạt đậu phộng vừa thu hoạch phải trải qua khoảng mười ngày phơi nắng. Mỗi khi mùa thu hoạch đạt sản lượng lớn, đậu sẽ được trải ra trên con đường sản xuất, tạo thành một “Đại lộ đậu phộng” vô cùng hoành tráng. “Phơi đậu phộng không phải chỉ là để yên đó mà mỗi ngày ít nhất phải đảo hai lần, nếu siêng năng hơn thì có thể hai tiếng đảo một lần”, ông Ngô Văn Khâm bổ sung. Những hạt đậu phộng kim cương đen sau khi phơi nắng có hương vị giòn ngon mà máy sấy không thể làm được. Sau khi phơi nắng, đậu phộng được loại bỏ tạp chất, sàng lọc và phân loại, sau cùng mới cho vào chảo rang với cát. Ông Ngô Văn Khâm chia sẻ, việc rang với cát giúp cho vỏ đậu phộng đẹp hơn và giúp hạt chín đều hơn.

Mỗi hạt đậu phộng kim cương đen đều chất chứa sự tận tụy của các thành viên trong ba đời nhà họ Ngô với thương hiệu Happy Peanuts và cả tâm ý bảo vệ đậu phộng kim cương đen của xã Yuanzhang.

 

Nấm truffle Đài Loan – viên đá quý tỏa sáng trong đất

Nấm truffle đen mọc dưới lòng đất của Đài Loan

Vào năm 2023, nhóm nghiên cứu của Viện Thí nghiệm Lâm nghiệp (Taiwan Forestry Research Institute, TFRI) thuộc Bộ Nông nghiệp (Ministry of Agriculture, MOA) đã phát hiện một loài nấm truffle đen mới tại Đài Loan, đặt tên là “Nấm Truffle đen Đài Đông” theo địa điểm phát hiện tại xã Taimali, huyện Đài Đông. Loài nấm này phân bố ở độ cao từ 300 đến 600 mét so với mực nước biển, là loài nấm truffle ở độ cao thấp nhất trong số các loại truffle đã được phát hiện tại Đài Loan.

Trước đó, những phát hiện khác bao gồm Truffle Tuber lithocarpii vào năm 2021, truffle Tuber elevatireticulatum (một loại truffle trắng) vào năm 2018 và truffle Hydnotrya tulasnei vào năm 2016. Tổng cộng trong khoảng 7 đến 8 năm qua, Đài Loan đã công bố khoảng 5 loài truffle mới, tất cả đều là thành quả của nhóm nghiên cứu do nhà nghiên cứu Phó Xuân Húc (Fu Chuen-hsu) và trợ lý nghiên cứu viên Lâm Giới Long (Lin Chieh-lung) thuộc nhóm bảo vệ rừng của Viện Thí nghiệm Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp Đài Loan chung sức thực hiện.

Ông Phó Xuân Húc tiết lộ, họ đã dựa vào dữ liệu cơ bản của các quốc gia trên thế giới, kết hợp với thông tin đất đai quốc gia của Đài Loan được tổng hợp bởi đội khảo sát đất rừng của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, để xác định các khu vực tiềm năng. Sau đó, họ so sánh với năm điểm nóng phân bố nấm dưới lòng đất mà ông Hồ Hoằng Đạo (Hu Hung-tao) - Giáo sư danh dự khoa Tài nguyên và Môi trường rừng của Đại học Quốc gia Đài Loan (National Taiwan University, NTU), được tổng hợp cách đây 30 năm, cuối cùng xác định 2-3 khu vực trọng điểm, từ đó bắt đầu tìm kiếm dấu vết của nấm truffle.

Ông Phó Xuân Húc chia sẻ, các loài nấm truffle ở độ cao từ 1.200 đến 1.300 mét so với mực nước biển có thể được thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau; còn ở độ cao 2.500 mét thì thường sẽ thu hoạch vào tháng 6 hoặc tháng 7. “Tuy nhiên, tại khu vực Liên Hoa Trì (độ cao từ 576 đến 925 mét), tất cả đều bị rối loạn, rất khó xác định”. Nghiên cứu của nhóm đã tổng hợp ra rằng, đất kiềm và khí hậu lạnh mát là điều kiện thích hợp cho sự phát triển của nấm truffle, nhưng khi vào các khu vực có độ cao thấp, các kết quả nghiên cứu trước đây không hoàn toàn đúng, điều này khiến quy luật sinh trưởng và phát triển của nấm truffle trở nên khó lường.

 

Dữ liệu không thể thiếu khi công bố phát hiện giống truffle mới

Sau khi đào được nấm truffle, cần đạt được nhiều điều kiện mới có thể “xác minh danh tính” của nó.

Các thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, khi công bố một giống truffle mới với quốc tế, trong báo cáo phải mô tả đầy đủ số lượng, kích thước của bào tử truffle, cũng như các chi tiết về hình thái tổng thể, đồng thời phải so sánh bản đồ phả hệ để xác nhận loài nấm truffle mới phát hiện có giống với các loài nấm truffle hiện có trên thế giới hay không, sau đó mới có thể coi như là đã kể rõ “đầu đuôi câu chuyện” của nó.

Trong đó, việc xác nhận bào tử trưởng thành có thể nói là một khâu rất hao tốn thời gian. Ông Lâm Giới Long chia sẻ, họ đã từng thu thập được 10 quả truffle ở Liên Hoa Trì, huyện Nam Đầu vào tháng 5 của một năm nọ. Khi mang về phòng thí nghiệm, họ phát hiện ra rằng bào tử của nấm chưa trưởng thành, vì vậy lại phải quay lại đó vào tháng 7, tháng 8 và tháng 2 năm sau, nhưng những chuyến đi đó đều không đạt được thành quả gì.

Dưới kính hiển vi, bào tử của truffle trắng có hoa văn giống như mai rùa, khác xa với hình dạng gai góc của nấm truffle đen, nhưng những hình dạng này đều là những đặc trưng quan trọng chứng minh nấm truffle có khả năng sinh sản hay không.

 

Nhóm nghiên cứu tìm cách sinh sản bào tử nấm truffle để bảo tồn cây nấm quý giá và thí nghiệm cấy ghép giống lên nhiều mẫu cây khác nhau, ngoài giúp thu thập số liệu sinh trưởng của nấm truffle, còn là sự chuẩn bị cho công tác nhân giống, sản xuất đại trà sau này.

Phần nhánh hình chữ Y trong ảnh cho thấy việc nuôi dưỡng mầm nấm trên thân gỗ đã thành công

Hành trình 30 năm đi tìm nấm truffle của Đài Loan

Nói về những thành tựu ấn tượng được công bố trong những năm gần đây, chắc chắn phải nhắc đến nhóm nghiên cứu của Giáo sư Hồ Hoằng Đạo, những người đã đặt nền móng cho nghiên cứu nấm truffle ở Đài Loan cách đây 30 năm.

Nhóm nghiên cứu này đã lần lượt công bố giống truffle đặc chủng đầu tiên của Đài Loan là Tuber formosanum vào năm 1992, sau đó công bố giống Tuber furfuraceum vào năm 2009. Giáo sư Hồ Hoằng Đạo cũng đã thiết lập vườn nuôi trồng nấm truffle nhân tạo đầu tiên ở châu Á tại khu rừng thí nghiệm của Đại học Quốc gia Đài Loan vào những năm 1990.

 Trải qua vài thập kỷ gián đoạn, may mắn thay, nhờ có sự tiếp nối của hai nhà nghiên cứu Phó Xuân Húc và Lâm Giới Long, họ đã tiếp tục “giấc mơ khám phá nấm truffle Đài Loan” và lần lượt phát hiện ra 5 loài mới. Họ tin rằng khả năng của Đài Loan không chỉ có thế, “Chúng tôi ước tính rằng, với điều kiện của Đài Loan thì có ít nhất là 15 loài nấm truffle khác nhau”.

Nấm truffle là loài nấm yếu thế trong môi trường, chúng ưa thích đất kiềm, ở châu Âu, chúng thường được phát hiện trong địa hình karst - nơi chủ yếu được cấu thành từ đá vôi. Vì vậy, ông Lâm Giới Long cho rằng, ngoài khu vực xung quanh Hồ Nhật Nguyệt, thị trấn Puli ở huyện Nam Đầu và khu vực rừng xung quanh bộ lạc Lijia, xã Taimali, xã Anshuo ở huyện Đài Đông, hai khu vực vốn là nơi bảo tồn thực vật từ kỷ băng hà này là những điểm nóng tiềm năng ra, những nơi có địa hình đá vôi và đất kiềm ở miền Đông Đài Loan cũng có thể là nơi ẩn giấu các loài nấm truffle mới chưa được phát hiện trên thế giới.

Một điểm đáng chú ý nữa là các khu rừng ở vùng núi cao Đài Loan với đặc tính có lớp mùn dày che phủ, đã khiến một số loài truffle mới hiếm hoi xuất hiện trên đất acid. “Đất ở nơi mà chúng tôi đào được truffle đen có độ pH chỉ từ 5 đến 6, chưa bao giờ vượt quá độ pH trung tính là 7”. Ông Lâm Giới Long chia sẻ, những đặc tính này đã thể hiện sự độc đáo của giống nấm truffle mới của Đài Loan, cũng như sự khác biệt rõ rệt so với các loài nấm truffle quốc tế.

 

Nhóm nghiên cứu của ông Phó Xuân Húc (bìa phải) và ông Lâm Giới Long (bìa trái) đã đi khắp nơi trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm nuôi trồng nấm truffle, từ đó thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu nấm truffle Đài Loan phát triển. (Ảnh: Ông Lâm Giới Long cung cấp)

Bào tử nấm truffle trắng

Bào tử nấm truffle đen

Trạm nghiên cứu “Vàng đen”  kế tiếp

Quá trình phát hiện và nghiên cứu nấm truffle, thực tế cũng là đang thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học của Đài Loan. Ngoài các sinh vật trên mặt đất, chúng ta cũng cần quan tâm đến những sinh vật và vi khuẩn dưới lòng đất, chúng chiếm đến 70% tổng sinh khối toàn cầu. Mặc dù thông thường ta không nhìn thấy chúng, nhưng chúng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ toàn diện hệ sinh thái và môi trường.

Ngoài đa dạng sinh học, yêu cầu khắt khe của nấm truffle đối với môi trường và giá trị kinh tế đi kèm cũng đã tạo ra tiềm năng phát triển lớn của mô hình kinh tế dưới tán rừng - lĩnh vực khuyến khích duy trì hệ sinh thái và độ che phủ của rừng, lý do là vì nấm truffle có mối quan hệ “cộng sinh cùng có lợi” với cây chủ. Nấm hấp thụ carbohydrate và các chất dinh dưỡng khác từ rễ cây, trong khi cây lại nhận được nước và chất dinh dưỡng cần thiết từ nấm. Nếu áp dụng phương pháp canh tác thông thường, hóa chất sẽ làm mất cân bằng hệ vi sinh vật trong đất, ảnh hưởng đến sự phát triển của nấm. Vì vậy, vùng đất có nấm truffle phải hoàn toàn khỏe mạnh và không bị ô nhiễm.

Đồng thời, ông Phó Xuân Húc nhắc nhở thêm: “Ngành công nghiệp nấm truffle phải theo đuổi nguyên tắc ‘chọn đúng nơi, đúng loại’”. Nhất là khi nấm truffle không phải là loài có thể trồng và thu hoạch ngay lập tức, chỉ có kiên nhẫn chờ đợi và cần mẫn chăm sóc mới có thể giúp công trình nghiên cứu nấm truffle mà Đài Loan vất vả duy trì suốt bao năm qua được tỏa sáng trên trường quốc tế.

 

 

Dùng kính hiển vi mới có thể xác nhận bào tử nấm truffle đã trưởng thành hay chưa.

Các thực thể nấm truffle mà nhóm nghiên cứu thu thập được từ khắp nơi có kích thước dao động từ dưới 1cm đến 7cm.

Bài viết liên quan

Bài viết nổi bật