Tour xe đạp khám phá văn hóa Đài Trung
Chuyên gia dẫn đường -Sức cuốn hút của các cung đường đạp xe
Bài‧Rina Liu Ảnh‧Chuang Kung-ju Biên dịch‧Tố Kim
Tháng 10 2024
Lần này, chúng tôi sẽ khám phá cuộc sống bằng xe đạp, đó là một quá trình phát triển văn hóa đạp xe và sẽ là một trải nghiệm đạp xe hoàn toàn mới mẻ mà bạn có được ở Đài Trung.
Từ chậm đến nhanh, khơi dậy tinh thần phiêu lưu mạo hiểm
Sau khi thong thả đạp xe qua một đoạn đường dành cho xe đạp Đàm Nhã Thần (đường Vườn Xanh Tan Ya Shen), tận hưởng ánh sáng ban mai và hương thơm của hàng cây nhội, chúng tôi đạp xe dọc theo con suối Đại Lý về phía Khu thắng cảnh Đại Khang (Dakeng). Trước khi đến Đường mòn leo núi số 2 sẽ nhìn thấy một tấm biển chỉ dẫn, đi men theo nó và bạn sẽ tìm thấy “sân đất dốc” - Công viên xe đạp Đông Đông (Don Don Bike Park) bí ẩn nhất Đài Trung và cũng là nơi thích hợp nhất để tập luyện và thi đấu xe đạp việt dã. Anh Lưu Hồng Nhất (Liu Hong-i), người sáng lập lớp huấn luyện xe việt dã (xe địa hình), đang sử dụng một chiếc xe đạp việt dã để luyện tập kỹ thuật “pump” khi chạy qua những con dốc. Anh Nhất vốn là tay chơi thể thao xe đạp đường trường, năm 2019, anh chuyển sang xe đạp việt dã và trở nên nổi tiếng trong môn thể thao này. Anh Lưu Hồng Nhất cũng đã mở lớp huấn luyện kỹ thuật chạy xe khiến trẻ em cũng yêu thích môn đạp xe việt dã.
“Tôi thấy văn hóa đạp xe rất phong phú và mạnh mẽ. Chúng ta chỉ cần tìm cách quảng bá nó, tôi gọi phương pháp này là ‘nồng độ ấn tượng’”. Dù là loại xe đạp nào, chỉ cần có một nhóm người yêu thích là có cơ hội hội tụ thành một loại hình văn hóa. Anh Lưu Hồng Nhất giới thiệu kiến thức, tăng cường huấn luyện khiến cho văn hóa đạp xe ngày càng hoàn thiện, điều này đương nhiên sẽ thu hút nhiều người tham gia.
“Ở núi Đại Đỗ (Dadu), Đài Trung, còn có một nơi phù hợp hơn cả cho môn xe địa hình, hầu hết mọi người đều không biết, nhưng người nước ngoài ai cũng biết mà còn rất thích đến đó”.
Trên con đường dành cho xe đạp Đàm Nhã Thần rợp bóng mát, những cơn gió thổi tràn ngập hương thơm của cỏ cây hoa lá.
Sống đời tự do vui vẻ-Sự lựa chọn của tôi
Sau khi xuống núi, chúng tôi đạp xe vào thành phố, gặp gỡ nghệ sĩ Giang Tâm Tịnh (Chiang Hsin-ching (Pinky)). Lần này cô đưa chúng tôi đi khám phá trung tâm thành phố Đài Trung bằng xe đạp từ góc độ nhân văn và nghệ thuật.
“Cung đường bí mật khám phá nghệ thuật thành phố” của nghệ sĩ Giang Tâm Tịnh bắt đầu từ Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, đi qua thôn Thẩm Kế Tân, Trung tâm mua sắm Qinmei Eslite đến Bảo tàng Khoa học Tự nhiên rồi men theo các con phố, xuyên qua ngõ hẻm cho đến đường Thảo Ngộ (Caowu). Cô nói: “Khu vực này đặc biệt thích hợp để du lịch chậm. Tại đây ta có thể nhìn thấy những cửa tiệm độc đáo cải tạo từ những ngôi nhà kiểu Tây được xây dựng thời quân đội Mỹ đóng quân tại Đài Loan. Dựng xe đạp trước cửa, bước vào tiệm, ta sẽ có cảm giác như đến thăm bạn bè”.
Xe đạp giúp nghệ sĩ Giang Tâm Tịnh tích lũy vô số ký ức của cơ thể khi đạp xe, là nguồn cảm hứng cho những sáng tạo của cô. “Đối với tôi, xe đạp tượng trưng cho 'sự tự do'. Tôi có thể kiểm soát tốc độ, đi đến bất cứ đâu, thoát khỏi áp lực của cuộc sống hiện đại, chẳng cần lên kế hoạch mà vẫn tận hưởng được niềm vui thư giãn”.
Nghệ sĩ Giang Tâm Tịnh thích nhất là Cung đường bí mật khám phá nghệ thuật thành phố. Con đường này có những cửa tiệm độc đáo cải tạo từ những ngôi nhà kiểu Tây, được xây dựng thời quân đội Mỹ đóng quân tại Đài Loan.
Khám phá văn hóa đạp xe
Nghe nói nhiều người ở Công viên Khoa học Đài Trung đã hình thành thói quen tranh thủ thời tiết mát mẻ vào sáng sớm để đạp xe vài vòng lên “Dốc con sóc” đầy thử thách gần đó. Sau đó, họ về nhà tắm nước nóng rồi đi làm, như vậy sẽ giúp họ cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn trong ngày làm việc. Ở Đài Trung, đạp xe buổi sáng đã dần hình thành một loại hình văn hóa đạp xe mới. Đây không chỉ là một hoạt động thể dục rèn luyện cơ thể hàng ngày hay một sở thích, mà là sự mở rộng mối quan hệ giữa con người với nhau.
6 giờ sáng ngày hôm sau, chúng tôi đang khởi động tại điểm xuất phát dốc con sóc thì gặp Vương Di Văn (Wang Yiwen), một nữ biker với bộ trang phục đúng chuẩn dân chuyên nghiệp, cô xung phong hướng dẫn chúng tôi trải nghiệm con đường này. Mặt đường của dốc con sóc bằng phẳng, độ dốc và khúc cua vừa phải nhưng tuyến đường thông suốt dễ đi. Sau khi cùng cô chạy một vòng, chúng tôi nhận ra sự thú vị của chuyến đi, quả thực rất sảng khoái.
Sau đó chúng tôi đến thăm Bảo tàng Văn hóa đạp xe, tọa lạc cạnh trụ sở mới của Tập đoàn Giant. Kiến trúc sư Phan Ký (Joshua Jih Pan) cho biết: “Để giữ lại không gian triển lãm lớn nhất trong bảo tàng, chúng tôi sử dụng kết cấu kiến trúc vỏ mỏng và mái nhà được thiết kế thành LOGO của Tập đoàn Giant”. Môi trường được thiết kế mang cảm giác chuyển động, lấy ý tưởng từ văn hóa đạp xe. “Đó là cảm nhận tâm linh về sự tự do, chuyển động và linh hoạt”. Kỹ sư Phan Ký nói: “Ngay cả lớp sơn bên ngoài cũng được dùng màu bạc sáng đặc biệt, giúp các đường cong có kết cấu như dòng nước chảy của tòa nhà phản chiếu ánh sáng mặt trời vào những thời điểm khác nhau, điều này càng làm nổi bật thêm tính linh hoạt của xe đạp”.
Bảo tàng Văn hóa đạp xe có rất nhiều điểm nổi bật để mọi người khám phá, từ lịch sử phát triển, những thay đổi về chức năng, công nghệ kỹ thuật, nguyên lý cơ khí, phát triển vật liệu cho đến những chiếc xe đạp nghệ thuật. Các khía cạnh khác nhau của xe đạp được trưng bày trong Bảo tàng đã định hình lại nhận thức văn hóa của mọi người về xe đạp.
“Lái xe quá nhanh, đi bộ quá chậm, tốc độ của xe đạp không nhanh cũng không chậm. Lái xe phụ thuộc vào động cơ, đi bộ phụ thuộc vào đôi chân, sự chuyển động của xe đạp là sự phối hợp của toàn bộ cơ thể và não bộ”. Ông Uông Gia Hạo (Wang Jiahao) nói: “Khi hầu hết mọi người có chung nhận thức và lặp lại cùng một khuôn mẫu hành vi, văn hóa sẽ hình thành một cách tự nhiên, việc đi xe đạp cũng như vậy. Mọi người tìm thấy niềm vui khi thay đổi cách thức và quá trình đạp xe. Điều này tạo ra các nhóm đạp xe khác nhau, sau đó trở thành nét văn hóa cá biệt độc đáo”.
Công viên xe đạp Đông Đông nằm khuất sâu trong ngõ Thanh Thủy núi Đại Khanh, có độ dốc cao và lộ trình được lập ra cẩn thận, rất thích hợp cho những người đam mê xe đạp địa hình tập luyện.
Những lý do khiến người ta yêu thích đạp xe
Michael Vincent Manalo, người gốc Philippines, là người tạo ra chiếc xe đạp nghệ thuật cho bảo tàng. Sau khi sinh sống và làm việc ở nhiều nước châu Âu, cuối cùng Michael đã chọn định cư ở Đài Trung. “Đài Loan là đất nước tuyệt vời nhất và tôi quyết định ở lại đây”. Tiếng Trung của Michael khá trôi chảy, “Tôi đã từng đến Đài Bắc và Cao Hùng, mọi người đều sống quá bận rộn. Đài Trung thì khác, vừa phải. Tôi đặc biệt thích những con đường dành cho xe đạp ở đây nên đã ở lại nơi này”.
Michael thích chạy xe đạp từ khi còn nhỏ, dù ở nước ngoài đất rộng đường xa nhưng anh vẫn sử dụng xe đạp để đi lại. Anh cho biết, khi để chân lên bàn đạp, mọi lo lắng, ưu phiền đều tan biến. “Tôi phát hiện người Đài Loan đã làm cho việc đạp xe trở nên thú vị hơn với nhiều tuyến đường khác nhau. Ở Đài Trung, nếu đạp xe về phía Bắc đến sườn núi, ta còn có thể nhìn thấy biển và sẽ gặp nhiều người đi xe đạp nhiệt tình, cùng nhau thành lập một nhóm Line. Đối với tôi đạp xe mang một ý nghĩa mới”.
Michael, người làm phong phú thêm văn hóa đạp xe thông qua nghệ thuật. Anh dùng xe đạp để khám phá Đài Trung và chia sẻ các tuyến đường quen thuộc của mình, “Phía bắc núi Đại Đỗ có nhà hàng Black.Forest, gần đó có rất nhiều con đường mòn. Tôi rất thích tìm những tuyến đường mới. Nhiều người ở Đài Trung thường đến nhà hàng để ăn uống và ngắm cảnh biển, nhưng hầu hết người đi xe đạp trên những con đường mòn gần đó đều là người nước ngoài như tôi”.
Đi vào cổng sắt ở đoạn 5, đường Hướng Thượng, rừng cây rậm rạp và các tuyến đường đan xen nhau, con đường này không tìm được trên Google Maps. Hầu hết người dân Đài Loan đều không biết, ngược lại, người nước ngoài sẽ đặc biệt đi xe đạp đến đây trải nghiệm. Thậm chí, vì quá yêu thích nơi này nên những người nước ngoài đã chủ động đắp đường đất bằng phương pháp thủ công để tăng cảm giác thú vị khi đạp xe nên được gọi là “Con đường rừng dành cho người nước ngoài”.
Tuy nhiên, những người nước ngoài này đã treo tấm biển với dòng chữ “Jungle Bunny” trên một cây lớn ở đầu đường, để mô tả cảm giác như chú thỏ nhảy trong rừng khi đạp xe trên con đường này.
Thiết kế kiến trúc và môi trường của trụ sở Tập đoàn Giant gồm những đường chuyển động như dòng sông bạc.
Nào, cùng tranh tài thôi!
Con đường Jungle Bunny tập hợp khá nhiều cao thủ biker, trong đó có anh Mike Dutton, người đã tham gia đắp con đường rừng dành cho người nước ngoài và đường đua xe đạp địa hình của giải Super 8 MTB Festival được tổ chức hàng năm. “Tôi thường xuyên đến đây để kiểm tra công tác bảo trì đường đua xe”. Đường đua Super 8 MTB và đường rừng dành cho người nước ngoài nằm ở hai bên núi Đại Đỗ, cảnh quan thiên nhiên của 2 con đường này hoàn toàn khác nhau; đường rừng của người nước ngoài có rất nhiều cây cối, trong khi đường đua Super 8 là một con dốc đất sét hướng ra đường cao tốc với cây bụi rải rác nên cần nhiều công sức để duy trì.
Đạp xe đến cuối đoạn 5, đường Hướng Thượng và rẽ vào hương lộ 60-1, sẽ bắt gặp Công viên tưởng niệm Prof. JaamesHunter có dạng hình tròn, đoạn đường xuống dốc ở khúc cua là điểm xuất phát của đường đua Super 8. “Trong thời gian thi đấu, sau khi nộp đơn xin phép, nơi đây đích thực là một đường đua”. Ông Trần Đại Quân, người sáng lập cuộc thi Super 8 MTB nói, “Vì khu đất này thuộc quyền sở hữu của chính phủ nên hoàn toàn mở cửa cho công chúng ra vào tự do vào ngày thường, bất cứ người nào cũng có thể đến đây luyện tập đạp xe. Vui lắm!”
Đường đua Super 8 nằm ở bên sườn có độ dốc cao hơn của núi Đại Đỗ, độ dính của đất sét cao. Do đó, các góc độ và hình dạng đường cong lý tưởng của con đường có thể được tạo ra bằng phương pháp thủ công, giúp tăng thêm cảm giác mạnh khi đạp xe.
“Cuộc thi giúp cho văn hóa đạp xe địa hình trở nên thú vị và bổ ích hơn. Mục tiêu cuối cùng vẫn là vui vẻ, hạnh phúc”. Ông Trần Đại Quân cho rằng, việc quảng bá văn hóa đạp xe đã truyền cảm hứng, khích lệ nhiều người. “Thử thách bản thân không liên quan gì đến tuổi tác”. Tất cả các biker, kể cả Mike Dutton, đều trả lời một cách kiên quyết rằng, dù bao nhiêu tuổi, miễn là chân vẫn còn cử động được thì “tôi sẽ tiếp tục đạp xe”.
Bước vào Bảo tàng Văn hóa đạp xe, bắt đầu hành trình khám phá xe đạp toàn cầu thông qua nhiều khía cạnh lịch sử, kỹ thuật v.v...
Michael Vincent Manalo, một nghệ nhân yêu thích xe đạp, kể câu chuyện của mọi người qua hàng loạt tác phẩm nghệ thuật về xe đạp.
Từ nhanh đến chậm, tốc độ được quyết định bởi đôi chân của mình
Tiếp theo, đạp xe thẳng đến đoạn 6, Đại lộ Đài Loan, bắt gặp con mương lớn thoát nước Lộc Liêu thì men theo dòng nước chảy đi về phía bắc, khi hoàng hôn buông xuống là tới vùng đất ngập nước Cao Mỹ. Tại đây có 13 tuabin gió siêu lớn đứng sừng sững dọc bờ biển, là thắng cảnh đẳng cấp thế giới, được quốc tế ca ngợi là “phải đến một lần trong đời”. Chúng tôi đạp xe trên “Đường xe đạp bờ đê biển Cao Mỹ”, chiêm ngưỡng hệ sinh thái của vùng đất ngập nước dưới ánh hoàng hôn.
Sau cùng, chúng tôi dừng xe trước “Con đường gỗ ngắm hoàng hôn” trải dài đến tận biển, sải bước trên con đường ván gỗ đón gió biển. Cùng với ánh hoàng hôn và làn gió biển mạnh mẽ bị nhấn chìm dưới mặt nước biển, những gợn nước lăn tăn dưới con đường ván gỗ trông như những chiếc vảy đầy màu sắc đang chậm rãi chuyển động.
Cùng với sự cải tiến về tính năng và loại hình xe đạp ngày càng phong phú đa dạng, các loại hình văn hóa mới khác nhau dần dần được hình thành và đi vào cuộc sống hàng ngày, hòa nhập với nhau thành một thể. Trong các hình thức đạp xe khác nhau, một số người tự khám phá bản thân, một số khác kết bạn giao lưu, có người suy nghĩ về cuộc sống, có người tìm thấy sự tự do, nhìn chung mỗi người đều đạt được một điều gì đó cho riêng mình.
Chỉ cần đôi chân vẫn có thể cử động thì sẽ tiếp tục đạp xe. Đây chính là tinh thần của một tay đua xe địa hình!
Mức độ thử thách của đường đua Super 8 đạt đến 100%. Đối với những người đam mê xe địa hình, đây là điểm đến nhất định phải chinh phục.
Chạng vạng tối, khi thủy triều dâng lên, vùng đất ngập nước Cao Mỹ dường như mang một diện mạo khác so với ban ngày, trông mông lung huyền ảo, rung động lòng người.