Vẻ đẹp ẩn mình trong hẻm nhỏ
Hoa sắt cửa sổ với sự sáng tạo đầy tự do bay bổng
Bài‧Cathy Teng Ảnh‧Old House Face Studio Biên dịch‧Minh Hà
Tháng 12 2023
Hoa sắt cửa sổ chính là sự thể hiện tinh thần tràn đầy tự do, đồng thời cũng làm nổi bật tay nghề thủ công của thợ sắt Đài Loan thời bấy giờ. (Ảnh: Kent Chuang)
大家都愛追隱藏版扭蛋,但你知道風景也有隱藏版嗎?
下回到台灣來,建議你找找藏在小巷弄裡,有點年紀的老房子,你會發現許多民宅的建築立面充滿物外之趣,看洗石子的外牆,色彩繽紛的老花磚,樣式典雅的水泥花磚;尤其是掛在陽台、窗上,已有年代的鐵窗花,上頭紋路、樣式之琳瑯滿目,可以想像當年鐵工匠們「玩」得多麼盡興。
Ai cũng thích sưu tập món đồ chơi trong quả trứng Gacha phiên bản bí ẩn, nhưng bạn có biết cảnh vật cũng có phiên bản ẩn giấu hay không?
Lần sau khi tới thăm Đài Loan, bạn hãy đi tìm những ngôi nhà cũ nép mình trong những con hẻm đã có một chút tuổi đời nhất định, bạn sẽ thấy mặt tiền nhiều ngôi nhà dân chứa đầy những điều thú vị, ngắm xem bức tường đá rửa bên ngoài, những viên gạch bông cổ đầy màu sắc, gạch bông xi-măng có kiểu dáng tao nhã. Đặc biệt là những khung hoa sắt được lắp trên ban công, trên cửa sổ đã trải qua nhiều năm tháng, với vô vàn các loại hoa văn và kiểu dáng, có thể tưởng tượng được những người thợ sắt ngày xưa đã được thỏa sức phát huy óc sáng tạo như thế nào.
Anh Dương Triều Cảnh (Laco Yang) và anh Tân Vĩnh Thắng (Hsin Yung-sheng) là người sáng tạo ra trang fanpage Facebook “Old House Face”, lấy Đài Nam làm khởi điểm, bắt đầu những chuyến đi bộ trong các hẻm nhỏ vào năm 2013, quan sát chi tiết bên ngoài của những ngôi nhà cũ khiến người ta suy suy ngẫm và khám phá nhiều điều sâu xa. Hai người đã chụp lại hình ảnh những ngôi nhà cũ này, giữ lại để ghi nhớ và đem chia sẻ trên mạng.
Đi tìm hoa sắt cửa sổ
Thật ra anh Dương Triều Cảnh và anh Tân Vĩnh Thắng chỉ là những người nghiệp dư, họ không phải theo học các chuyên ngành về di tích, kiến trúc. Anh Thắng là người quê Đài Nam đã đến Đài Bắc sinh sống nhiều năm, anh rủ bạn bè về thăm quê mình, họ cùng len lỏi trong các con hẻm để tìm hiểu những ngôi nhà cổ, “Phát hiện khung cảnh mặt tiền của đường phố tràn đầy sức hút, tưởng như đến với một thành phố khác hẳn vậy”.
Những khung hoa sắt cửa sổ với kiểu dáng độc đáo luôn ẩn chứa câu chuyện của riêng mình. Trong quá trình tìm kiếm các khung hoa sắt, nếu gặp được chủ nhà thì họ sẽ hỏi han để tìm hiểu. Nhiều mẫu thiết kế hoa sắt cửa sổ đều có liên quan đến nghề nghiệp của chủ nhà, ví dụ người đó là cố vấn của nghiệp đoàn ngành kinh doanh mắt kính thì sẽ được thiết kế với tạo hình mắt kính, nếu là giáo viên dạy nhạc thì trên khung cửa sổ sẽ xuất hiện hình các loại nhạc cụ như đàn violon, đàn dương cầm, đàn ghita, v.v..., hoặc sẽ lấy tên, logo của cơ sở kinh doanh lồng ghép vào khung hoa sắt. “Hơn nữa, người Đài Loan sau khi đã làm quen đều trở nên rất nhiệt tình, khi trò chuyện xong đều sẽ tiếp đãi khách, nào là mời ăn trái cây, mời uống trà thanh nhiệt, thậm chí còn hăng hái tháo bỏ những chướng ngại vật để cho chúng tôi chụp ảnh”, anh Cảnh cho biết.
Trong cuốn “Ngôi nhà cổ và hoa sắt cửa sổ” do “Old House Face Studio” xuất bản, khung hoa sắt cửa sổ mà họ có ấn tượng sâu sắc nhất là một ngôi nhà ở Lộc Cảng (Lukang). Chủ nhà đã đưa hình ảnh ngôi nhà “Lầu Thập Nghi” (Shiyilou) và “Giếng khuyết một nửa” (Banbianjing) nổi tiếng ở Lộc Cảng vào thiết kế trang trí khung hoa sắt cửa sổ, sử dụng phương pháp kỹ thuật để tạo nên cảm giác không gian 3 chiều và độ phối cảnh. Ngoài ra, chủ nhà còn đưa cả những kỷ niệm trong chuyến du lịch nước Pháp với cô con gái, làm thành bức tranh “Khải Hoàn Môn ở Paris, Pháp” bằng hoa sắt cửa sổ. Những chiếc hoa sắt cửa sổ này đã trở thành kỷ niệm của gia đình, luôn hiện hữu trong cuộc sống của các thành viên.
Ngoài ra, còn có một chiếc hoa sắt cửa sổ chủ đề âm nhạc ở Đài Trung là khung sắt hình bản nhạc với khuông nhạc 5 dòng được hàn trực tiếp lên cửa sổ. Quản trị viên của trang fanpage đã tải lên mạng để tìm kiếm xem đó là bản nhạc nào, vì vậy đã tạo ra một cuộc thi đua khám phá trên bàn phím nhưng tiếc rằng cho đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải chính xác.
Làm thế nào để tìm hoa sắt cửa sổ? Anh Cảnh đề xuất rằng, hãy đến những khu vực phố cổ ở các nơi, đi vào trong những con hẻm nhỏ, chắc chắn sẽ có những điều thu hoạch bất ngờ, cũng đừng quên ngẩng đầu tìm những khung cửa sổ sắt từ tầng hai trở lên, chỉ cần phóng tầm mắt là sẽ gặp những điều thú vị.
Anh Dương Triều Cảnh (bên trái) và anh Tân Vĩnh Thắng (bên phải) cùng lập ra trang fanpage Facebook “Old House Face”, làm dấy lên phong trào đi tìm hoa sắt cửa sổ. (Ảnh: Kent Chuang)
Hình ảnh thu nhỏ của kỹ thuật thủ công qua các thời kỳ
Phó Giáo sư Trần Chính Triết (Chen Cheng-che) của Khoa Kiến trúc và Cảnh quan, Đại học Nam Hoa (Nanhua University), đồng thời cũng là chuyên gia về khảo sát, tu sửa phục hồi nhà cổ khu vực Đài Nam và Gia Nghĩa. Từ phương diện vật liệu kiến trúc, ông phân tích sắt có cấu tạo dễ uốn, với đặc tính có thể uốn cong, làm lõm và bẻ gập, có nhiều ưu điểm hơn so với các loại vật liệu khác. Việc sử dụng nguyên liệu sắt cho bề ngoài các công trình kiến trúc Đài Loan đã bắt đầu từ thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng. Trong những kiến trúc của cơ quan nhà nước hoặc công trình kiến trúc cao cấp của tư nhân đều sử dụng sắt như một loại hình trang trí và cũng là một kiểu mốt thời thượng.
Bối cảnh xuất hiện hoa sắt cửa sổ, ngoài sự ra đời của Công ty thép Đài Loan (CSC) giúp cung cấp ổn định nguyên liệu sắt thép, còn liên quan đến nhu cầu an toàn và chống trộm cho nhà dân. Ngoài ra còn có một điểm mấu chốt khác là “Nói đến những mẫu “hoa văn” của cửa sổ sắt, phải vận dụng các đường cong để thiết kế sản xuất, nó đòi hỏi một loại hình kỹ nghệ, là sự thể hiện của nghệ thuật. Điều này cũng liên quan đến những người thợ sắt của thời bấy giờ, họ là linh hồn của ngành sản xuất Đài Loan”, ông Trần Chính Triết giải thích.
Năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản rút khỏi Đài Loan. Tuy nhiên, những người thợ sắt Đài Loan từng học tập kỹ thuật thủ công của Nhật thì vẫn tiếp tục xây dựng nhà ở khắp mọi nơi, họ đã thừa kế tinh thần làm nghề rất khắt khe của Nhật Bản. Mặt khác, vào thời điểm đó vẫn chưa có tình trạng đầu cơ làm kích giá bất động sản, người dân xây nhà là để ở, cũng là những ngôi nhà khởi nghiệp của nhiều người. Ông Trần Chính Triết chỉ ra rằng: “Tôi cho rằng, với hệ thống sản xuất của Đài Loan, những ngôi nhà được sản xuất có giá trị văn hóa và giá trị kỹ nghệ thủ công cao nhất đều xuất hiện trong khoảng 30 năm, từ năm 1950 tới năm 1979”.
Đây cũng là thập niên xuất hiện một số lượng lớn hoa sắt cửa sổ, những người thợ sắt tiếp thu tinh thần làm nghề của người Nhật nên khá lành nghề, có thể thỏa sức phát huy khả năng sáng tạo, biến sắt thành những bức tranh. “Không có lớp thợ sắt này thì sẽ không có hoa sắt cửa sổ, những khung hoa sắt thể hiện tràn đầy tinh thần tự do”, ông Trần Chính Triết nói. Qua cuộc trả lời phỏng vấn của nhóm Old House Face cũng có thể thấy được, đa số hoa sắt cửa sổ không phải là do chủ nhà chỉ định mẫu mã, mà là để cho thợ sắt tự do phát huy, cho nên mới tạo ra thành quả sáng tạo phong phú như vậy.
Hoa sắt cửa sổ ẩn chứa những câu chuyện về gia đình. Những kỷ niệm về chuyến du lịch Pháp của cụ ông họ Hoàng ở Lộc Cảng với cô con gái được làm thành bức tranh “Khải Hoàn Môn ở Paris, Pháp” bằng hoa sắt cửa sổ.
Uốn thép thành hoa
Những người thợ sắt đầy ắp những ý tưởng tự do bay bổng này đã tạo ra một thế giới hoa sắt cửa sổ như thế nào? Theo cách phân loại của “Old House Face Studio”, hoa văn hình núi là kiểu phong cảnh thường gặp nhất của cửa sổ nhà dân. Về hoa văn không chỉ là dáng núi đơn giản, mà còn hình thành nhiều loại đường nét với sự biến đổi đa dạng, ví dụ kết hợp nhiều loại hoa văn được tạo bằng các đường nét phác họa như hình tường vân (áng mây lành) với hệ mặt trời, hệ mặt trăng và hệ ngân hà, với sóng biển và cả những nét phác họa cảnh tuyết phủ, tạo sự biến hóa khôn lường cho cửa sổ hoa có họa tiết dáng núi. Đó là những hình ảnh rất thường thấy tại nhiều ngôi nhà ở khu vực Trung Nam bộ.
Cỏ cây hoa lá cũng là họa tiết thường được sử dụng cho hoa sắt cửa sổ, sử dụng vật liệu thép dẹp thích hợp để thể hiện sự vươn lên của thân và lá. Trong các mẫu họa tiết hoa do “Old House Face” thu thập, thường gặp nhất là hoa mai, hoa anh đào, theo ý nghĩa của những loài hoa này, hoa nở tượng trưng cho sự giàu sang phú quý, quả đào tượng trưng cho sự trường thọ, quả táo tây theo âm đọc trong tiếng Hoa là “bình” đồng âm với từ bình an, quả nho thì có ý nghĩa con đàn cháu đống.
Trong chủ đề côn trùng và động vật, xuất hiện nhiều nhất là chim chóc, bướm và cá. Nhiều nhà dân sử dụng hình ảnh bướm và dơi để trang trí, bởi lấy theo một chữ trong tên gọi của loài dơi (bianfu), đồng âm với chữ “Phúc” theo phát âm tiếng Hoa; còn với mong muốn được “quanh năm dư dả”, thì hình ảnh cá cũng là yếu tố thường gặp trong hoa sắt cửa sổ. Trong thế giới người Hoa, hình ảnh chim công, chim hạc, chim hỷ thước và vịt uyên ương luôn là biểu tượng của sự may mắn cát tường, trở thành những cảnh vật tự nhiên trong những ô cửa sắt hoa.
Với những nét vẽ nối liền không ngắt quãng, những họa tiết khối hình học nhìn mãi cũng không chán mắt, chẳng khác nào tạo âm thanh và nhịp điệu cho các công trình kiến trúc. Từ những đường thẳng ngang dọc đan chéo nhau có thể bắt gặp ở khắp mọi nơi, trong đó có một số còn được chèn những khối hình vuông màu vàng, màu xanh dương và màu đỏ, dường như dùng thị giác để cảm nhận tiết tấu mang đậm nét đặc trưng nghệ thuật Tân tạo hình của nhà danh họa “Piet Mondria”. Do ảnh hưởng của Nhật, trong những hình vẽ tô tem truyền thống bao gồm các mẫu họa tiết như lá gai dầu, shippo (thất bảo - hoa văn có các vòng tròn chồng lên nhau giống như cánh hoa và mỗi điểm giao nhau của những cánh hoa lại tạo thành một ngôi sao) và matsukawabishi (hoa văn 3 hình thoi được xếp chồng lên trông giống vỏ cây thông). Các mẫu hoa tiết này nhìn giống như ống kính vạn hoa, nếu nhìn tới nhìn lui nhiều lần từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, lúc thì kéo ra xa, xoay đi xoay lại, phản chiếu theo chiều ngang v.v..., đã tạo ra nhịp phách, khiến mỗi khung hoa sắt cửa sổ dường như đang ngân nga những câu hát.
Càng đậm nét địa phương, càng tạo sự quốc tế hóa
Ngoài các mẫu mã thường gặp như nêu trên, những trường hợp trực tiếp dùng ký tự chữ Hán, chữ cái tiếng Anh làm họa tiết cửa sổ hoa cũng rất thường gặp, ví dụ như chữ “Xuân”, “Phúc”, “Thọ”, v.v..., hoặc dùng sắt uốn thành chữ thể hiện dòng họ của gia tộc, địa danh quê quán. Sử dụng đồ vật để truyền tải ý nghĩa, những hình ảnh bình hoa, quả hồ lô thường xuất hiện trên những khung hoa sắt cửa sổ đều lấy chữ đồng âm với các từ “bình an”, “phúc lộc song toàn”, tất cả những họa tiết này đều có sự liên quan mật thiết với phong tục tập quán của địa phương. Ngoài ra, cũng có những hình vẽ như “Long phụng trình tường” (tức “Rồng, phượng báo điềm lành”), “Ngọc thố đảo dược” (tức “Thỏ ngọc giã thuốc”), “Ngư dược Long môn” (tức “Cá chép vượt Long môn”), v.v..., hoặc những hoa sắt cửa sổ có hình ảnh khuôn mặt thổ dân Rukai ở xã Vụ Đài (Wutai), huyện Bình Đông, hoa sắt cửa sổ có hình vẽ trang phục của người Paiwan ở xã Lai Nghĩa (Laiyi), huyện Bình Đông. Tất cả đều bắt nguồn từ văn hóa địa phương và trở thành những hình ảnh đặc trưng của ngôi nhà.
Trang web “Old House Face” cũng thu hút fan quốc tế theo dõi, chia sẻ với nhau về hình ảnh hoa sắt cửa sổ của nước mình. “Mengoushi Fan Club” (Hội nhóm người hâm mộ hoa sắt cửa sổ) là câu lạc bộ về quan sát khám phá phố phường của nước láng giềng Nhật Bản đã tới giao lưu với Đài Loan. Anh Cảnh nêu ví dụ, ở những nơi tập trung nhiều người Hoa sinh sống như ở Penang, Malacca của Malaysia rất thịnh hành việc tạo họa tiết cho hoa sắt cửa sổ bằng hình đèn lồng đỏ hoặc bằng tên gọi của cửa tiệm. Người Hồi giáo tại địa phương có thiên hướng thích tạo hình mặt trăng và ngôi sao, ở Thái Lan có hoa sắt cửa sổ hình tượng Phật, v.v..., tất cả đều cho thấy càng đậm nét đặc trưng địa phương thì càng tạo sự quốc tế hóa.
Nhóm “Old House Face” đã lồng ghép các họa tiết của hoa sắt cửa sổ vào thiết kế phong cảnh địa phương của Đài Loan.
Sự giao thoa giữa gạch ghép mảnh gốm sứ Mosaic với cửa hoa sắt thường thấy trên mặt tiền của những căn nhà, đã gợi nhớ lại cuộc sống tốt đẹp trong thời đại cũ. (Ảnh: Kent Chuang)
Không chỉ đơn thuần là một khung cửa sổ
Vì sao những ngôi nhà cổ này được công chúng đánh gia cao trở lại? Ông Trần Chính Triết giải thích rằng, đây là hình ảnh thu nhỏ sau khi xã hội Đài Loan thay đổi hệ tư tưởng. Trước tiến trình nhiều năm diễn ra phong trào xã hội và dân chủ hóa Đài Loan, trong quá trình đi tìm bản sắc cá nhân, chúng ta sẽ thẳng thắn nhìn lại những gì mà mình đang có. Ông lấy kim tự tháp làm ví dụ, tầng trên cùng được cho là công trình kiến trúc kinh điển, được mọi người công nhận là có giá trị di sản văn hóa, trong khi khối kiến trúc nằm ở tầng giữa của kim tự tháp là công trình kiến trúc tinh tế mang nét văn hóa dân dã, còn hoa sắt cửa sổ chính là “hình ảnh thu nhỏ của kỹ thuật thủ công của thời kỳ đó”.
Ngoài việc ghi lại câu chuyện của từng chiếc hoa sắt cửa sổ, nhóm “Old House Face” cũng đưa hoa sắt cửa sổ vào trong sáng tác. Tại triển lãm thiết kế Đài Loan vào năm 2022, nhóm này đã lấy phong cảnh và kiến trúc của các địa phương làm chủ đề, ví dụ như ga xe lửa Kỳ Sơn (Qishan), cửa hàng bách hóa Hayashi, cánh đồng muối Thất Cổ (Qigu) và thắng cảnh Cửu Phần (Jiufen), v.v..., biến hoa sắt cửa sổ thành giấy hoa văn (screentone) và họa tiết để tô màu cho những bức tranh minh họa, tạo ra những phong cảnh đường phố gắn liền với hơi thở cuộc sống. Ngày nay, nhiệm vụ của anh Cảnh và anh Thắng từ chia sẻ đã chuyển sang quảng bá giới thiệu, mong rằng có thể giúp mọi người thấy được loại phong cảnh độc đáo này của Đài Loan. “Hoa sắt cửa sổ là dòng ký ức cuộc sống của người Đài Loan đã trải qua hơn nửa thế kỷ, rất đáng để bạn bè các nước đến trải nghiệm văn hóa Đài Loan”.
Lần sau khi tới thăm Đài Loan, bạn hãy đi bộ tới các góc phố, len lỏi trong các con hẻm nhỏ để tìm bảo vật, một lần nữa ngắm nhìn “bức tranh mang đậm tình người, trong đó ẩn chứa những nét văn hóa truyền thống của Đài Loan, lịch sử thế hệ và cuộc sống đời thường của người dân”.
Hãy cùng khám phá vẻ đẹp trong các ngõ hẻm Đài Loan nào! (Ảnh: Kent Chuang)
Đồ vật
Cỏ cây hoa lá
Âm nhạc, vũ đạo
Côn trùng động vật
Tranh vẽ
Họa tiết khối hình học
Hình núi
Chữ viết