Cây cối là người kể chuyện về hòn đảo
Tình người và cây
Bài‧Cathy Teng Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧Hải Ly
Tháng 2 2024
Theo chân người Hà Lan đến Đài Loan đã từ rất lâu, cây xoài đã trở thành một khung cảnh quen thuộc ở nông thôn Đài Loan vào thời nay.
「各位先生、女士,本航班即將降落桃園國際機場,目前地面溫度是舒爽的攝氏24度,正好是春暖花開的春季,台灣各城市的行道樹部分正在換新裝,以不同的色彩妝點城市的路徑,觀光之餘,建議可留意他們的春夏新款。我們準備去一探台灣樹的故事,希望這趟台灣樹之旅,能豐富您對台灣樹木的視野,更認識台灣的多姿多采。」
“Thưa quý khách, chuyến bay của chúng ta sắp hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đào Viên, nhiệt độ dưới mặt đất hiện tại là 24 độ C rất dễ chịu, hiện tại đang đúng dịp mùa xuân trăm hoa đua nở, hầu hết cây trồng hai bên đường tại các thành phố của Đài Loan đang thay áo mới, tô điểm cho phố phường những bộ cánh đủ màu sắc khác nhau. Ngoài tham quan du lịch, quý vị cũng có thể để ý tới những lớp áo mới của phố phường trong dịp mùa xuân và mùa hạ. Chúng ta sắp cùng nhau khám phá câu chuyện về cây cối Đài Loan, hy vọng chuyến đi tìm hiểu cây Đài Loan này sẽ làm phong phú hơn sự hiểu biết của bạn về thực vật của Đài Loan, cũng giúp bạn phát hiện sự muôn màu muôn vẻ của Đài Loan.”
Hồi tưởng lại năm 1624, khi người Hà Lan đặt chân lên Đại Viên (Da’yuan) (nay là Đài Nam) bằng đường biển, chắc chắn điều đầu tiên lọt vào tầm mắt chính là cây cối bạt ngàn, với một màu xanh rì ngút tầm mắt. Ngày nay, nếu đi thẳng từ sân bay tới thành phố Đài Bắc, dạo một vòng quanh thành phố, không biết bạn có để ý thấy những hành lang xanh luôn hiện hữu dọc đường không nhỉ? Đường Trung Sơn Bắc (Zhongshanbei) nổi tiếng với đại lộ cây phong hương (cây sau sau); đường Ái Quốc Tây (Aiguoxi) nằm sát Công viên kỷ niệm Chiang Kai-Shek với cả một hàng cây cơm nguội (cây nhội) nguyên sinh của Đài Loan được trồng làm cây xanh dọc hai bên đường phố; những cây long não trên đường Nhân Ái (Ren’ai) quanh năm tươi tốt. Còn khi tới ngôi chùa Từ Thánh Cung (Cisheng’gong) tọa lạc tại khu Đại Đạo Trình (Dadaocheng) để thưởng thức ẩm thực Đài Loan, thì có những cây đa rợp bóng trong sân chùa. Suốt một chặng đường như vậy, có thể bạn đã vô tình được chiêm ngưỡng các giống cây “tứ đại thiên vương” của Đài Loan sinh sống ở khu vực có độ cao thấp so với mực nước biển bao gồm: cây đa, cây long não, cây cơm nguội và cây phong hương.
Phong cảnh bốn mùa
Cây xanh đường phố là những khoảng xanh dịu mát nhất trong lòng thành phố, nó có thể giúp điều hòa nhiệt độ, lọc không khí, ngoài ra cũng có thể hấp thụ tiếng ồn, giữ nguồn nước, trong đó điểm nổi bật nhất chính là làm phong phú thêm cảnh quan thị giác cho thành phố.
Giáo sư trợ lý Khoa Lâm nghiệp Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Pingtung Dương Trí Khải (Yang Chih-kai), chuyên gia về thực vật dân tộc học nói với chúng tôi rằng, không chỉ là một bữa tiệc thị giác, mà các tộc người thổ dân Đài Loan còn dùng thực vật để nhận biết sự thay đổi của bốn mùa trong năm, ông viện dẫn nội dung trong cuốn “Tuyển tập tranh mô tả phong tục tập quán của các tộc người thổ dân” có viết rằng: “Thổ dân không tính ngày tháng, không chia một năm theo 4 mùa, mà lấy mùa cây lá vông (cây vông nem) trổ hoa để tính là một chu kỳ thời gian”, qua đó mô tả cách mà người thổ dân dùng đặc trưng của thực vật để làm căn cứ tính toán trình tự thời gian và để tính năm.
Ví dụ khi cây lá vông nở hoa đỏ rực báo hiệu năm mới đã đến, còn các tộc người thổ dân ở khu vực Đông bộ như tộc người Amis và Puyuma khi thấy quả hồng nhung chuyển sang màu nâu, chứng tỏ là đã sang hè. Còn cây mưa vàng Đài Loan là để báo hiệu mùa thu đã đến, đây là loài cây bốn mùa trong năm lá sẽ biến đổi dần từ xanh sang vàng rồi chuyển thành màu đỏ, sau cùng lá khô biến thành màu nâu rồi rụng xuống, với sự biến đổi màu sắc khác nhau như vậy nên loài cây này được gọi là “cây bốn màu”.
Vì trong bốn mùa sẽ thay các màu lá khác nhau, cho nên cây mưa vàng Đài Loan được lọt vào danh sách “Những loài cây cận nhiệt đới nổi tiếng trên toàn thế giới”. Tại nội thành Đài Bắc, có thể ngắm nhìn những rặng cây mưa vàng tuyệt đẹp dọc hai bên đường Đôn Hóa Nam (Dun-hua-nan) và đường Trung Thành (Zhongcheng).
Trên đây đều là những cảnh quan được tạo ra bởi những giống cây nguyên sinh của Đài Loan, nhưng ngoài ra còn có các loài cây được đưa vào Đài Loan trong thời kỳ người Hà Lan thống trị (1624-1661) gồm cây hoa gạo, hoa đại (tên khoa học là Plumeria rubra), muồng hoàng yến (tên khoa học là Cassia fistula); thời kỳ Nhật Bản thống trị Đài Loan (1895-1945) thì du nhập cây hoa phượng, cây cau vua, v.v... Những giống cây được du nhập từ nước ngoài vào Đài Loan này đã kết nối Đài Loan với thế giới, làm phong phú thêm sự đa dạng của đảo ngọc Đài Loan.
Cây hoa gạo
Cây phong linh vàng
Cây xoan
Vượt ngàn trùng dương để hội ngộ
Ngày nay tại Đài Loan, thưởng thức một trái xoài, gặm trái ổi hay ăn quả doi (quả mận) đều là điều hết sức thường tình, tuy nhiên những loại trái cây mọng nước và thơm ngọt này “thực ra là do Công ty Đông Ấn Hà Lan du nhập vào Đài Loan khi đặt chân tới hòn đảo này, vì vậy đã khiến danh hiệu “vương quốc trái cây” của Đài Loan càng thêm phần phong phú” (Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) là một công ty thương mại thành lập năm 1602 được quốc hội Hà Lan trao quyền thực thi những hoạt động thực dân tại châu Á). Ông Dương Trí Khải nhắc tới thời điểm năm 1624, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã lấy Đài Loan làm cứ điểm, qua tư liệu lịch sử có thể thấy được, trong lá thư do người đứng đầu Công ty Đông Ấn Hà Lan nhiệm kỳ đầu tiên Martinus Sonck gửi cho tổng trụ sở tại Batavia (nay là Jarkata thuộc Indonesia) có nội dung viết rằng: “….Xin hãy gửi một số cây giống nho, xoài, vải, sầu riêng đến Đài Loan”. Chính vì vậy, những loại cây ăn quả này đã được đưa đến Đài Loan, trở thành cảnh quan khá quen thuộc ở nông thôn Đài Loan thời nay. Khu vực bến phà Fanzai thuộc khu Quan Điền - Đài Nam thời xưa với những hàng cây xoài do người Hà Lan trồng chính là cây xanh đường phố sớm nhất ở Đài Loan, điều này có thể được kiểm chứng qua tư liệu lịch sử.
“Những loại trái cây được người Hà Lan mang vào Đài Loan thực ra là có sự cân nhắc mang tính chiến lược, nếu không phải là để ăn quả, thì cũng để sử dụng cho mục đích quân sự, ngoài ra còn là chất giúp cải thiện môi trường và sử dụng làm thuốc trị bệnh”, ông Dương Trí Khải là người rất am hiểu về thực vật lấy ví dụ cho biết, như ổi thì ngoài ăn quả, lá ổi có thể trị tiêu chảy và giảm huyết áp, còn cành ổi có thể sử dụng làm thuốc.
Cây mưa vàng cứ đến mùa hè hàng năm lại nở rộ khắp Đài Loan, tại Đài Loan ban đầu bị gọi nhầm tên thành “A-luo-le” và sau trở thành tên thường gọi của loài cây này, ông Dương Trí Khải bổ sung thêm cho biết: “Công ty Đông Ấn Hà Lan đưa giống cây này vào Đài Loan là có sự cân nhắc về quân sự”, khi đó cần gỗ để làm đế đại bác, vì cây mưa vàng tăng trưởng nhanh, chất gỗ lại nặng, độ chịu lực tốt và rất ổn định. “Những cây mưa vàng được trồng làm cây xanh đường phố cho Đài Loan mà bạn bắt gặp, thực ra chúng đã kể một câu chuyện về người Hà Lan.”
Cũng có rất nhiều sản vật được du nhập từ khu vực phía Nam Trung Quốc trong thời kỳ vương triều họ Trịnh thuộc triều đại nhà Minh (năm 1661-1683), bao gồm các giống cây như đào, mận và mơ, đến thời kỳ Đài Loan bị triều đình nhà Thanh cai trị (năm 1683-1895) thì các giống cây nhãn và vải đã được đưa đến Đài Loan và tới nay đã trở nên rất đỗi quen thuộc với người Đài Loan, ngoài ra còn có giống trúc sào cũng được du nhập trong thời kỳ này.
Trong thời kỳ Đài Loan là thuộc địa của Nhật Bản, đã có rất nhiều loài thực vật được mang tới Đài Loan để trồng thử như cây dừa, cây hoa sữa, cây ngân hạnh (cây bạch quả), cây tràm gió, cây nhạc ngựa và cây gỗ tếch, v.v.., cũng đều viết nên những trang mới giữa con người và thực vật, thảo nào mà ông Dương Trí Khải thường hay nói rằng: “Cây cối chính là người kể chuyện về hòn đảo.”
Cây nhạc ngựa
Cây phong linh hồng
Cây mưa vàng Đài Loan (Ảnh: Chen, Mei-ling)
Sự nương tựa giữa cây cối và con người
Sự đa dạng của thực vật Đài Loan càng thêm phần phong phú bởi các giống ngoại lai, tuy nhiên câu chuyện về những giống thực vật bản địa và nguồn cội tinh thần của chúng thậm chí càng thú vị và gây xúc động hơn.
“Bạn có biết nguồn gốc của sự tích “7+7” từ thuở xa xưa của Đài Loan không? Đó là câu chuyện bắt nguồn từ tộc người thổ dân Paiwan”, ông Dương Trí Khải bỗng nhiên nêu một chủ đề mới hoàn toàn. Thời xưa ở cổng vào của các bộ lạc thuộc tộc người Paiwan sẽ trồng hai loại cây là cây cơm nguội và cây đa sộp để làm ranh giới, đó đều là các loại cây có thân lớn sinh sống ở độ cao trung bình và thấp so với mực nước biển, và rất tự nhiên thì chúng đã trở thành mốc ranh giới và tượng trưng của các bộ lạc. Người của bộ lạc sẽ cho dựng lều cỏ ở dưới gốc cây, khi có người ngoài muốn vào bộ lạc, trước tiên phải cách ly ở chiếc lều cỏ này trong 7 ngày, đợi sau 7 ngày không có vấn đề gì bất thường thì mới được vào bộ lạc. Ông Dương Trí Khải vừa cười vừa nói: “Đó không phải là cách làm để phối hợp với quy định phòng chống dịch bệnh của chính phủ, mà là được đúc rút từ trí tuệ thời xa xưa của tộc người Paiwan.”
Nói thêm về cây cơm nguội, chúng có những đặc điểm nhận dạng là vỏ cây có màu nâu đỏ xám và trên những thân cây già thường có những cục u nổi lên. Người Đài Loan có câu tục ngữ: “Hãy trút bầu tâm sự với cây cơm nguội nếu không có người trò chuyện”, ông Dương Trí Khải diễn tả lại tình huống này, đó là khi hẹn bạn dưới gốc cây cơm nguội nhưng bạn vẫn chưa thấy tới, thì có thể lặng lẽ ngắm cây và thổ lộ những điều trong lòng mình, đó cũng là một cách chia sẻ. “Điều này cũng thể hiện sự liên kết giữa cây cối và con người là rất quan trọng, cây sẽ tiếp cho bạn một sức mạnh đặc biệt giúp bạn tĩnh tâm hơn, tôi cảm thấy đây là một kiểu quan điểm triết học và là sự nương tựa về mặt tâm linh”.
Ông Dương Trí Khải còn đặc biệt giới thiệu cây xoan nguyên sinh của Đài Loan, với dáng cây rất tao nhã, hoa màu tím nhỏ li ti đầy mơ mộng, mùa hoa nở là vào khoảng tháng 3 đến tháng 4, khi đó cả cây sẽ được phủ kín bởi một tầng mây màu tím ngát, lãng mạn không bút nào tả xiết. Mọi bộ phận trên cây xoan đều đáng quý và sử dụng được, ngắt một nắm lá xoan để lên phía trên nải chuối, có thể làm chín chuối; đem lá xoan nấu lên hoặc chiết xuất, có thể dùng để diệt khuẩn, chính là một loại thuốc chữa bệnh da; hoa xoan thì có thể dùng để luyện tinh dầu, còn quả xoan màu vàng được gọi là “Kim linh tử”, là một vị thuốc trong y học cổ truyền. Còn thời nay thì việc săn hoa theo mùa rất thịnh hành, săn ảnh phong cảnh đẹp ở nước ngoài thì có hoa anh đào, còn tại Đài Loan chụp cảnh hoa xoan cũng rất đẹp.
Tại Đài Loan cũng có rất nhiều địa danh và phong cảnh có liên quan đến các loài cây, qua đó có thể hiểu thêm về các khung cảnh lịch sử thời trước. Khi thiết kế Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật quốc gia Wei Wu Ying - Cao Hùng, kiến trúc sư người Hà Lan Francine Houben đã lấy cảm hứng từ cụm cây đa cổ thụ với những chiếc rễ khí quấn quít với nhau, những cụm rễ chính đan xen chằng chịt, và biến chúng thành một quảng trường cây đa cởi mở, thông thoáng và rộng rãi.
Vì bộ phim “Thành phố buồn” (A City of Sadness) dạo gần đây được chiếu lại khiến thị trấn nhỏ “Cửu Phần” một lần nữa thu hút sự chú ý, nguồn gốc tên gọi của nó là có liên quan đến cây long não. Đài Loan từng có một thời là “vương quốc long não” của thế giới, khu vực Cửu Phần khi xưa vốn được phủ kín bởi cây long não, thời trước khi tinh luyện long não, thì cứ 10 lò luyện long não được tính là một phần, tên gọi “Cửu phần” thể hiện ý nghĩa khu vực này có tổng cộng 90 lò luyện long não, ông Dương Trí Khải kể lại câu chuyện về thời xa xưa như vậy. Và tương tự có thể đoán được rằng, trong các địa danh chỉ cần có chữ “phần”, thì hầu hết là đều có liên quan ngành long não.
Ông Dương Trí Khải thường hay nói rằng: “Cây cối chính là người kể chuyện về hòn đảo.”
Hoa xoan thường nở vào dịp Tiết Thanh Minh, những chùm hoa màu tím li ti trổ đầy trên những cành xoan, đây là giống cây nguyên sinh của Đài Loan.
Sự bao dung của thế giới cỏ cây
Nếu xét theo dòng chảy thời gian, có thể Đài Loan không có lịch sử lâu đời, nhưng nếu bạn sẵn lòng tìm hiểu về hòn đảo này và nghe câu chuyện về nó, “Chúng ta mặc dù là một hòn đảo nhỏ bé, nhưng khi cần chúng ta đều có tham dự vào những thời khắc quan trọng của lịch sử thế giới”, ông Dương Trí Khải vừa ngẩng cao đầu vừa nói, “Như Công ty Đông Ấn Hà Lan, đã từng một thời thống lĩnh toàn thế giới, không ai nghĩ được rằng Đài Loan lại là một trong những cứ điểm của họ, không những thế còn có sự liên kết vô cùng mật thiết, và đã tạo ảnh hưởng đối với phong cảnh trên đảo Đài Loan.”
“Tôi cảm thấy hòn đảo này tràn đầy sự bao dung, chỉ cần bạn sẵn sàng ở lại, thì chắc hẳn sẽ có một cuộc sống tốt đẹp! Bạn hãy ngắm những loài thực vật thì sẽ hiểu được”. Đài Loan có tấm lòng đặc biệt bao dung, ngoài ra còn có công nghệ sáng tạo, ông lấy xoài làm ví dụ, sau khi người Hà Lan đưa giống xoài bản địa của họ vào Đài Loan, đã được người Đài Loan tiến hành lai tạo, tới nay đã cho ra đời rất nhiều các giống xoài khác nhau như Xiaxue, Jinhuang, Đài Trung số 1, Đài Nông số 2, v.v… mà không thể kể hết ở đây. Hơn nữa mùi vị của giống xoài bản địa Hà Lan vẫn được lưu giữ cho đến tận bây giờ, đó chính là hương vị vừa chua vừa ngọt của giống xoài xanh trái nhỏ (hay thường được gọi là “Quả tình nhân”), đều đã trở thành một phần thuộc nội hàm văn hóa phong phú của Đài Loan.
Cây cối chính là người kể chuyện về hòn đảo, ẩn chứa những câu chuyện về hòn đảo, bạn có thể nghe thấy lời tâm sự bởi tiếng cành lá xào xạc, hoặc cũng có thể lặng lẽ đứng bên những gốc cây. “Hãy trút bầu tâm sự với cây cơm nguội nếu không có người trò chuyện”, chỉ cần như vậy thì sự kết nối giữa cây cối và con người dường như đã được thỏa mãn.
Cây xanh đường phố là những khoảng xanh dịu mát nhất trong lòng thành phố, nó có thể giúp điều hòa nhiệt độ, lọc không khí.