Tường Vy và chặng đường trở thành Phát thanh viên tiếng Việt
Bài‧Kuo Yu-ping Ảnh‧Lin Min-hsua Biên dịch‧Bích Ngân
Tháng 10 2018
「我是來自越南的留學生。」曾經不敢如此自我介紹的范瑞薔薇,現職廣播主持人,剛來台灣時,歷經一段自我身分迷惘的歲月。演出公視戲劇《別再叫我外籍新娘》是一個契機,她慢慢看淡少數台灣人對「越南女性」的異樣眼光;現在,范瑞薔薇充滿自信地說:「我是來自越南的薔薇。」發揮聲音甜美的特質與語言專長,在台灣主持廣電節目及越南語教學,為挪去台越文化之間的隔閡帷幕努力著。
Từng là một người không dám tự nhận mình là người Việt, giờ đây Phát thanh viên (PTV) Phạm Thụy Tường Vy đã mạnh dạn giới thiệu “Tôi là một du học sinh người Việt Nam”, hiện nay Tường Vy là Phát thanh viên tiếng Việt của Đài Phát thanh Quốc tế Đài Loan (Radio Taiwan International, RTI), khi mới đến Đài Loan, cô đã phải trải qua một thời gian hoang mang về thân thế quốc tịch của mình. Sau khi nhận vai diễn trong bộ phim “Đừng gọi tôi là cô dâu nước ngoài”, dần dần cô xem nhẹ ánh mắt khác thường của một số ít người Đài Loan đối với “những cô gái Việt Nam”, và bây giờ PTV Tường Vy luôn tự tin nói với mọi người: “Tôi là Tường Vy, là người Việt Nam”, đồng thời phát huy sở trường ngôn ngữ và giọng nói ngọt ngào, trở thành người dẫn chương trình tiếng Việt và chương trình dạy tiếng Việt của Đài phát thanh RTI, nỗ lực vén bức màn ngăn cách nền văn hóa giữa hai nước Đài Loan và Việt Nam.
Chất giọng ngọt ngào thiên phú, sinh ra để làm phát thanh viên
Sở hữu một ngoại hình xinh đẹp và giọng nói làm say đắm lòng người, PTV Phạm Thụy Tường Vy từng được mọi người ví von là “Lâm Chí Linh của Việt Nam” hoặc là “Phạm Văn Phương của Việt Nam”, ấy vậy khi đối diện với phóng viên, cô nở nụ cười nhẹ nhàng và nói: “Tôi cảm thấy tôi giống chính tôi”.
Sinh sống trên mảnh đất Đài Loan 15 năm nay, ngoài công việc phát thanh, với giọng phát âm ngôn ngữ tiếng Trung, tiếng Đài rất chuẩn, PTV Tường Vy còn là người dẫn chương trình năng động của Đài truyền hình PTS và Đài truyền hình Da Ai. Cô cho biết, nguyên nhân khiến cô chọn Đài Loan để du học là do ngay từ lúc còn nhỏ đã bị mê hoặc bởi những bộ phim dài tập Đài Loan, trước kia kỹ thuật lồng tiếng tại Việt Nam chưa tiến bộ, không thể nào xóa bỏ hoàn toàn tiếng nói của diễn viên, những câu nói lúc ẩn lúc hiện trong phim dần dần trở nên quen thuộc với cô, thế là tự nhiên có thể nói được dăm ba câu tiếng Hoa, hoặc đôi lúc lại cùng với bạn học ngâm nga vài câu: “Trên thế giới chỉ có mẹ là tốt nhất, có mẹ con như món bảo bối…” đây là lời bài hát trong phim “Ngôi sao hiểu lòng tôi” một bộ phim truyền hình dài tập Đài Loan.
PTV Tường Vy càng ngày càng yêu thích tiếng Trung, cô tìm đọc rất nhiều sách tiếng Trung để nâng cao khả năng ngoại ngữ của mình, PTV Tường Vy đã đọc qua các tác phẩm kinh điển như “Tam Quốc diễn nghĩa”, Hồng Lâu Mộng”, tác phẩm tiểu thuyết của Trương Ái Linh, cô cho biết: “Bởi vì tôi cần phải nhanh chóng học giỏi tiếng Trung, ngôn ngữ là một chiếc chìa khóa, nếu như không mở được cánh cửa này, thì không thể đi đâu được cả.”, chỉ trong vòng 2 năm PTV Tường Vy đã học xong một chương trình mà những người bình thường phải mất cả 10 năm để dùi mài kinh sử, nhanh chóng học cách phát âm đúng giọng, chuẩn âm.
“Giọng nói hay” là một món quà quý giá nhất mà Thượng Đế đã ban tặng cho cô, PTV Tường Vy cho biết: “Tôi rất thích nghe giọng nói của mình, và cũng rất thích nghe chương trình phát thanh”, cô còn nói ngay từ nhỏ còn đứng trước quạt máy bắt chước cách nói chuyện của phát thanh viên, với chất giọng dịu dàng trời cho, phong cách diễn đạt tự tin, cứ như là sinh ra để làm nghề phát thanh. Khi chọn ngành đại học, cô cũng theo sở thích của bản thân, chọn khoa Phát thanh- Truyền hình.
Đừng gọi tôi là cô dâu nước ngoài
PTV Tường Vy nhớ lại cảm xúc mười mấy năm trước khi mới đến Đài Loan, cô cho rằng đa số người Đài Loan đều rất thân thiện, chỉ có một số ít hỏi cô: “Cô lấy chồng sang Đài Loan phải không?”, hoặc như biểu lộ một cảm giác cứ như “Hy vọng cô không phải là người Việt Nam”, lâu dần khiến cho bản thân cô Tường Vy nảy sinh sự xung đột về sự nhận định bản sắc cá nhân, không thích mọi người thảo luận về quốc tịch của mình, nếu như có người hỏi cô có phải là người Hồng Kông hay người Malaysia hay không, cô trả lời cho qua chuyện “Đúng vậy”
Theo Thuyết phát triển tâm lý xã hội của Eric H.Erickson, con người khi bước vào lứa tuổi 18, là giai đoạn tìm hiểu bản sắc cá nhân, rất dễ bị quan niệm giá trị gây ảnh hưởng, chẳng hạn như sự kỳ vọng hoặc sự đánh giá của xã hội. PTV Tường Vy cũng vậy, cô cảm thấy rất phiền toái về thân thế quốc tịch của mình, tuy nhiên chị của cô, cũng đang ở Đài Loan đã cho cô lời khuyên: “Em phải công nhận mình là người Việt Nam, người Việt Nam rất tốt mà, em nỗ lực như thế lại chịu khó học tiếng Trung, cố gắng hòa nhập vào cuộc sống Đài Loan, tại sao em lại mất tự tin như vậy?”, sau lời khuyên của chị, PTV Tường Vy đã từ từ thay đổi suy nghĩ của mình, đem các vấn đề từng khiến cô không dám đối diện, trở thành cơ hội để cô giới thiệu Việt Nam, giới thiệu về bản thân mình.
Với sự tự tin, PTV Tường Vy bắt đầu mở ra một trang sách mới đầy sắc màu tại Đài Loan. Đầu tiên cô thi đậu vào khoa Phát thanh-Truyền hình của Trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Đài Loan, đồng thời tham gia đóng bộ phim “Đừng gọi tôi là cô dâu nước ngoài”, bên cạnh đó cô cũng nhận thêm công việc tại Đài phát thanh Quốc tế Đài (Radio Taiwan International, RTI), làm chương trình phát thanh tiếng Việt. PTV Tường Vy nói: “Lúc đó tôi đã từ từ xem nhẹ những ánh mắt kỳ thị và những thành kiến, tôi cảm thấy kịch bản của Đài truyền hình PTS rất gần gũi với thực tế, nên tôi đã nhận vai diễn.”
Do không ngừng vun đắp sự tự tin, PTV Tường Vy đã hóa giải những khó khăn về sự nhận định bản sắc cá nhân từng làm cô phiền lòng, cô thản nhiên đối mặt với kịch bản có nhiều tình tiết u buồn, và cũng học được cách đối diện với ánh mắt khác thường của một số ít người trong xã hội.
Cơ duyên ở lại Đài Loan làm việc
“Nhận định bản sắc cá nhân, đừng để ý đến ánh mắt của người khác, trước tiên hãy thay đổi bản thân”, PTV Tường Vy tin rằng, chỉ cần nỗ lực, kiên trì, làm việc hết sức mình và hãy làm gì đó cho xã hội Đài Loan, “Một ngày nào đó họ sẽ nhìn thấy sự tốt đẹp của bạn, họ sẽ thay đổi cách suy nghĩ về bạn”
PTV Phạm Thụy Tường Vy cố gắng học hỏi, tham gia lớp đào tạo người dẫn chương trình của Đài RTI, tự sáng tạo đề tài mới lạ trong chuyên mục phát thanh, cô làm việc gần như một nhân viên chính thức, tuy nhiên cô vẫn không khỏi lo âu khi nghĩ đến vấn đề liệu có tiếp tục ở lại Đài Loan hay về Việt Nam sau khi tốt nghiệp.
Trước kia, sau khi tốt nghiệp đại học, du học sinh nước ngoài muốn ở lại Đài Loan làm việc cần phải hội đủ 2 điều kiện: Thứ nhất là có kinh nghiệm làm việc trong 2 năm, kế đến là mức lương tháng phải trên 48.000 Đài tệ (Từ năm 2012, Bộ Lao động mới nới rộng quy định, du học sinh nước ngoài chuẩn bị tốt nghiệp, có thể xin ở lại Đài Loan làm các công việc trong ngành chuyên môn hoặc ngành kỹ thuật, với mức lương tháng bình quân là trên 37.619 Đài tệ, không cần phải có 2 năm kinh nghiệm làm việc), bản thân PTV Tường Vy thì có kinh nghiệm làm việc 2 năm, thế nhưng mức lương cao 48.000 thì đối với một sinh viên chuẩn bị ra trường như cô mà nói thì khó như mò kim đáy biển.
Nhìn thấy các bạn học đến từ Hồng Kông, Malaysia lần lượt về nước sau khi tốt nghiệp, càng khiến cho tâm trạng của cô rối như tơ vò. Một ngày nọ, lãnh đạo Đài Phát thanh Trung ương đã mời cô đến gặp mặt, thì ra người quản lý Ban tiếng Việt thường hay lên tiếng đề nghị các vị lãnh đạo nên giữ chân Tường Vy lại để làm việc cho Đài Phát thanh, cấp trên đã nhìn thấy sự nỗ lực của cô. Tường Vy dường như trút bỏ được gánh nặng lo âu trong lòng, ở lại Đài Loan làm phát thanh viên, và cũng đảm nhận vài trò người dẫn chương trình trong loạt phim giới thiệu về Đài Loan mang tên “Dấu chân người Việt” do Đài Phát thanh RTI thực hiện.
Chương trình “Dấu chân người Việt” sử dụng nguồn kinh phí và nhân lực rất hạn hẹp, mặc dù Đài Loan và Việt Nam không có quan hệ ngoại giao, thế nhưng sau một năm rưỡi nỗ lực của Đài Phát thanh cũng như sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Văn phòng đại diện Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, đã trở thành chương trình đầu tiên của Đài Loan được trình chiếu trên kênh truyền hình Việt Nam. PTV Tường Vy cho biết: “Rất nhiều người Việt Nam sau khi xem chương trình này mới biết thì ra Đài Loan có nhiều khu vui chơi như vậy, một số bạn viết thư cho biết, hy vọng có dịp đến Đài Loan du lịch.”, có thể nói là đã thành công trong việc giới thiệu Đài Loan đến với quê hương của mình.
#MeToo. Tuyệt đối không nên thỏa hiệp
PTV Phạm Thụy Tường Vy có một hồi ức mà cô không muốn nghĩ đến, tuy nhiên để cổ vũ tất cả các chị em phụ nữ, hãy dũng cảm bày tỏ “MeToo-Tôi cũng vậy”, nên cô vẫn nhắc đến.
“#MeToo” là một phong trào kêu gọi cộng đồng đứng lên chia sẻ câu chuyện của mình và vạch trần những hành vi quấy rối và tấn công tình dục, do nhà hoạt động xã hội Tarana Burke khởi xướng vào năm 2006, nữ minh tinh màn bạc Holywood đã dùng tiêu đề “ #MeToo” để phát biểu trên trang mạng xã hội Twitter, cổ vũ những nạn nhân nên mạnh dạn đứng ra tố cáo, bài viết đã được rất nhiều nhân vật nổi tiếng trên toàn cầu hưởng ứng, dũng cảm nói lên câu chuyện của mình. Thậm chí, tạp chí TIME của Mỹ đã bầu chọn “Những người phá vỡ sự im lặng” trong phong trào “#MeToo” là Nhân vật của năm, kêu gọi mọi người nên xem trọng vấn đề quấy rối tình dục và tấn công tình dục.
Công việc đầu tiên của PTV Tường Vy trên đất Đài là làm phiên dịch cho một công ty môi giới, một lần trong lúc cùng đồng nghiệp đi công tác, đã bị người đồng nghiệp này quấy rối tình dục, vào lúc đó phản ứng đầu tiên của cô là tự xem lại cách ăn mặc của mình xem có phải không chỉnh tề hay không, thế nhưng sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, qua ngày hôm sau cô đã quyết định trình bày sự việc với cấp trên.
Cũng giống như sự miêu tả của những người phá vỡ sự im lặng, PTV Tường Vy cho biết: “Có một số người cảm thấy bản thân mình đã làm điều gì, mới bị đối phương sàm sỡ như vậy? Không phải, bạn không phạm bất cứ một lỗi nào, lỗi là xuất phát từ tâm thái xấu của họ.” Cô kêu gọi các bạn nữ nên tự bảo vệ mình, nếu thật sự gặp trường hợp như vậy, phải dũng cảm tố cáo hành vi của người đó, #MeToo, “Tôi cũng vậy, thế nhưng tôi tuyệt đối không thỏa hiệp.”
Đóa Tường Vy đỏ tỏa hương tình yêu trên đất Đài Loan
Ý nghĩa của hoa Tường Vy đỏ đại diện cho một tình yêu nồng cháy, cũng giống như tình cảm nồng nhiệt của PTV Phạm Thụy Tường Vy đối với Đài Loan. Cô nhận thấy, người Việt Nam và người Đài Loan càng không hiểu nhau, càng dễ phát sinh những suy nghĩ không tốt về nhau, do đó cô đã cố gắng làm mọi cách để vén bức màn ngăn cách nền văn hóa giữa hai bên. Ở Đài Loan, cô đã tự lấy mình làm gương bằng cách làm việc nhiệt tình, để chứng minh cho mọi người biết, người Việt Nam ở Đài Loan cũng rất xuất sắc; ở Việt Nam, thì lại đem những mặt tốt của Đài Loan, thông qua những thước phim để càng có nhiều người Việt Nam hiểu về Đài Loan hơn.
Trong công việc của PTV Tường Vy đã kết nối một tình bạn rất sâu đậm với các bạn thính giả, ấn tượng sâu sắc nhất của cô là có một thính giả đang bị giam trong tù đã viết thư tâm sự với cô, cô bạn này đã xem qua bộ phim “Đừng gọi tôi là cô dâu nước ngoài” và đón nghe chương trình phát thanh, Tường Vy đã khiến cho cô ấy rất cảm động, nên đặc biệt nhờ một bạn tù là người Việt Nam viết dùm lá thư gửi cho PTV Tường Vy, cô cũng đã viết thư hồi âm kèm theo một món quà nho nhỏ, an ủi động viên cô bạn ấy cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời.
PTV Tường Vy thường cho rằng mình rất may mắn trong cuộc sống, nhưng thật ra cô cũng không phải hoàn toàn không gặp trắc trở, cho dù đã gặp phải sự kỳ thị, từng bị quấy rối tình dục, nhưng cô luôn chọn thái độ lạc quan tự tin để đối diện với mọi việc. Trong lúc tiếp nhận phỏng vấn, PTV Tường Vy đang mang thai hơn 9 tháng, cô cho biết: “Người Việt Nam chúng tôi cần phải cố gắng hòa nhập vào xã hội Đài Loan, nên có những cống hiến cho xã hội Đài Loan. Không nhất thiết phải làm việc gì lớn lao, hãy giáo dục con cái thật tốt cũng tức là một sự cống hiến.” Lạc quan, bắt đầu từ việc nhỏ nhất, PTV Phạm Thụy Tường Vy đang tiếp tục lan toả tia sáng ấm áp trên mảnh đất Đài Loan.