Mây mù che phủ không biết đi về hướng nào
Đi phượt Vụ Đài bằng xe đạp
Bài‧Esther Tseng Ảnh‧Chuang Kung-ju Biên dịch‧Minh Ha
Tháng 12 2019
美國文豪海明威曾說:「騎單車翻山越嶺、揮汗寸土踏查,是了解一個國家風土民情最好的方式。」
《光華》「騎行台灣」系列報導,在初春的季節鎖定台24線從屏東縣三地門到霧台鄉,群山顯得新綠,部落已走過風雨,踩著踏板環山而上,感受排灣族與魯凱族部落豐沛的產業生態與文化工藝。
Đại văn hào Mỹ Ernest Hemingway từng nói rằng: “Đạp xe trèo đèo vượt núi, gạt mồ hôi rong ruổi khắp nơi, là cách tốt nhất để tìm hiểu con người và phong cách sống của một đất nước.”
Trong loạt bài “Đi phượt khắp Đài Loan bằng xe đạp” của tạp chí “Panorama”, vào dịp đầu xuân đã nhắm đến tuyến đường tỉnh lộ 24 nối từ xã Tam Địa Môn (Sandimen) đến xã Vụ Đài (Wutai) huyện Bình Đông (Pingtung), sẽ thấy được các dãy núi vô cùng xanh tươi, đi qua những bộ lạc dân tộc nguyên trú đã từng trải qua biết bao gió bão, đạp pedal xe dọc theo con đường men núi leo lên cao, cảm nhận sự phong phú về sinh thái ngành nghề và thủ công mỹ nghệ của hai bộ lạc Paiwan và Rukai.
Mười năm trước, cơn bão Morakot (còn gọi là trận bão ngày 8 tháng 8) đã gây thiệt hại nặng nề cho 3 ngôi làng Haocha, Dashe và Majia (tên gọi bằng tiếng dân tộc là Kucapungane, Paridrayan và Makazayazaya) ở phía Bắc huyện Bình Đông nên được di dời tới xã Tam Địa Môn để tiến hành tái thiết, và được đặt tên là “bộ lạc Rinari”. Trước tiên đoàn phóng viên đến thăm bộ lạc và nhà hàng “Kubav” tại khu dân cư (Kubav trong thổ ngữ của dân tộc Paiwan tức là kho lúa), thưởng thức món ăn đậm hương vị dân tộc nguyên trú, để khởi động chuyến đi phượt bằng xe đạp.
Từ các món ngon trong thực đơn như “Cinavu”, “Kinepel”, “Thịt nướng hun khói bằng đá phiến”, ngay lập tức sẽ cảm nhận được không khí của bộ lạc thổ dân, đặc biệt phải giới thiệu đến món ăn “Cinavu”, đây là món ăn điểm tâm vào ngày Tết và dành để đãi khách của dân tộc Paiwan, sử dụng lá Mao ty đài (Trichodesma calycosum) gói thịt lợn trộn với hạt kê, đem luộc trong 40 phút, tạo vị thơm rất đặc biệt của cỏ quyện lẫn vị ngọt của thịt, vừa đơn giản vừa mộc mạc.
Trong các món ăn vận dụng nguyên vật liệu đặc trưng của bộ lạc, còn có món “Kinepel” làm từ hạt kê và bánh bí đỏ, bánh ú lá riềng mang hương vị đặc biệt, thịt lợn rừng ướp hoa tiêu lá xư “Zanthoxylum ailanthoides” và hạt màng tang (Litsea cubeba), sử dụng loại gỗ tràm của địa phương để nướng thịt. Mỗi một món ăn đều có vị ngon gây sửng sốt, với sự thỏa mãn vị giác như thế, đã khơi lên động lực và mong muốn tìm hiểu văn hóa địa phương.
Ba báu vật quý giá của bộ tộc Paiwan, khắc ghi không phai mờ
Leo lên một đoạn đường dốc uốn lượn quanh co, tiết trời nắng đẹp, phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy được tòa nhà chọc trời cao 85 tầng ở Cao Hùng. Tới Trung tâm văn hóa Tam Địa Môn nằm ở mốc cây số 22 (km 22) trên tuyến tỉnh lộ số 24, trưng bày theo chủ đề “Ba báu vật quý giá của bộ tộc Paiwan: dao đồng thiếc, chuỗi hạt lưu ly, bình gốm”, kể lại truyền thuyết về sự khởi nguồn của trời và đất, sự xuất hiện của tín ngưỡng và thần linh.
Ba báu vật quý giá của dân tộc Paiwan được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, có thể thấy được giai cấp xã hội và nghi thức cuộc sống của tộc người Paiwan. Lấy chiếc bình gốm làm ví dụ, Remaljiz là người hướng dẫn thuyết minh trong cuộc triển lãm, bản thân là một thành viên trong gia tộc đầu mục người Paiwan cho biết, chiếc bình có tay nắm và hình núm vú là chiếc bình mẹ, có hoa văn chạm nổi của con rắn lục là chiếc bình cha, trong đó lại coi chiếc bình kỷ niệm ngày ra đời với kiểu dáng nhẹ mỏng, trơn nhẵn là cao quý nhất.
Còn chuỗi hạt lưu ly được dùng làm tín vật quan trọng như sính lễ, báu vật gia truyền, v.v..., đối với dân tộc Paiwan mà nói, hình tô tem trên mỗi một hạt lưu ly sẽ đại diện cho mối quan hệ gắn bó giữa trời, đất cùng với tư duy và tín ngưỡng của con người, ví dụ “chuỗi hạt cao quý” là sính lễ trong đám cưới của đầu mục, còn đeo trên người “chuỗi hạt dũng sĩ” là để làm nổi bật công lao và chiến tích của dũng sĩ.
Nhưng đối với khách du lịch mà nói, trong quá trình DIY khi tới tham quan “Cơ sở lưu ly mỹ nghệ Dragonfly”, có thể tự tay nung đốt những hạt lưu ly của riêng mình. Phòng triển lãm cổ tích ở tầng 2 trưng bày tác phẩm và những bộ sưu tầm của nghệ nhân Thi Tú Cúc, người sáng lập cơ sở mỹ nghệ này, trong đó có chiếc áo cưới do người mẹ của bà đã mất sớm vì bệnh ung thư trước đây từng đích thân may cho con gái, ngoài ra, còn có nhiều tác phẩm được làm từ các loại nguyên liệu cầu kỳ phức tạp và rất đẹp.
Mua một “chuỗi hạt dũng sĩ” đeo vào tay, tiếp thêm động lực để tiếp tục hành trình đi phượt leo dốc, trước mặt nếu không phải là đường núi quanh co khúc khuỷu, tiết trời ấm áp, thật sự cứ ngỡ như đang đạp xe trên đường bằng.
Nhà xây bằng đá phiến, hẻm đá phiến, trí tuệ của dân tộc Rukai
Trên suốt tuyến đường đi phượt tới đường hầm xuyên núi ở mốc cây số 29 (km 29) trên tỉnh lộ 24, phong cảnh thiên nhiên tráng lệ không hề thua “Đường cao tốc xuyên ngang Đông - Tây”, đi về phía trước tới mốc cây số 31 (km 31), trước tiên dừng lại ở đài quan sát, phóng tầm mắt từ trên cao xuống ngắm toàn cảnh thung lũng sông Bắc Ải Liêu (Ailiao), đồng thời ngắm từ xa cảnh đẹp hùng vĩ của cây cầu Cốc Xuyên (Guchuan) có trụ cầu cao nhất Đài Loan.
Những làn gió mơn man ấm áp, những tia sáng nhảy nhót, phong cảnh núi non trùng điệp dọc đường đi dường như đã xua tan mọi nỗi vất vả phải vượt qua những đoạn đường núi quanh co khúc khuỷu. Bà Saidai Latarovecae, Trưởng phòng Phòng Dân tộc nguyên trú huyện Bình Đông đã giới thiệu Vụ Đài là khu vực sinh sống của dân tộc Rukai, hiện vẫn bảo tồn mô hình bộ lạc hoàn hảo nhất Đài Loan. Sau khi tới mốc cây số 40 (km 40) của tỉnh lộ 24, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là bức tượng điêu khắc nổi bật của đầu mục và dũng sĩ, thì Trung tâm Văn hóa Rukai nằm ngay trước mặt.
Tại Trung tâm Văn hóa Rukai có thể tìm hiểu nền văn hóa thường dân Rukai, bất kể là con hẻm được lát bằng nhiều miếng đá phiến đan xen với nhau hay bức tranh phù điêu sặc sỡ của Trường tiểu học Vụ Đài, đều là những tác phẩm được sáng tạo bằng đôi tay của anh em Besakalane và Kalava.
Dắt xe đạp bước lên bậc thang sẽ thấy ngay dòng chữ “Giáo hội Tin lành Trưởng lão Vụ Đài”, nổi bật lên giữa con hẻm lát đá phiến. Giáo hội này do ông Kalava thiết kế và giám sát thi công, mất 6 năm mới xây xong, thể hiện rõ nét tinh thần đồng lòng hợp sức của dân tộc Rukai.
Tòa giáo hội là ngôi nhà xây bằng đá phiến có mái dốc nghiêng nhất Vụ Đài, với kỹ thuật xếp chồng đá phiến lên nhau, tính mức chịu tải trọng của tòa nhà, đó là nhờ trí tuệ và kinh nghiệm xây cất nhà đá phiến của người xưa.
Cây thánh giá rất lớn bằng gỗ bách được dựng trong sảnh giáo hội là mảnh gỗ bách do người Nhật đốn chặt và để lại, sau này được một người thợ săn cao tuổi phát hiện thấy trong rừng sâu, tại khu vực giáp ranh giữa Đài Đông và Bình Đông, người dân trong bộ lạc phải mất 4 ngày mới kéo về tới nơi, nó trở thành cây thánh giá làm bằng gỗ bách quý hiếm nhất Đài Loan. Ngước nhìn cây thánh giá, sẽ cảm nhận được tinh thần đồng lòng hợp sức, cùng cống hiến hỗ trợ lẫn nhau trong bộ lạc, cần cù tạo dựng chốn thiên đường nơi mặt đất. Hơn thế nữa, những vất vả trong quá trình làm cây thánh giá đã trở thành những hình ảnh được điêu khắc trang trí trên tay vịn cầu thang phía ngoài giáo hội.
Tới Adiri – bộ lạc cuối cùng còn lại, thưởng lãm hoa anh đào và những cánh bướm
Để không phải đi xe đạp về ban đêm, cần nghỉ đêm tại nhà nghỉ ở bộ lạc Vụ Đài. Sau một giấc ngủ ngon, ngày hôm sau đi về hướng tỉnh lộ 24, tới bộ lạc Adiri (còn gọi là Ali), bộ lạc cuối cùng của dân tộc Rukai.
Trên chặng đường leo dốc đầy thách thức từ dốc núi này sang dốc núi khác, do ảnh hưởng của cơn bão Morakot khiến khu vực núi bị sạt lở và đường bị đứt đoạn, mặc dù hiện nay đã cho xây rào chắn tạm ở mép đường, để tránh đá rơi từ trên cao, khi đạp dấn lên với tốc độ nhanh hơn, một bên đường sẽ hiện lên quang cảnh núi rừng và thung lũng, khiến người ta có cảm giác đầy phiêu lưu mạo hiểm như đang cưỡi mây đạp gió. Bộ lạc Adiri ở độ cao 1200 mét so với mực nước biển, quanh năm được bao phủ bởi mây mù, nhìn xa hơn nữa sẽ thấy hai bộ lạc Vụ Đài và Kabalelradhane “dưới chân núi”, đều chìm đắm giữa biển mây bềnh bồng.
Chạy ngang qua hai khu vực vách núi bị sạt lở Jilu và Adiri, hai vách núi thẳng đứng rất hùng vĩ này là do ảnh hưởng của trận bão Morakot mới tạo nên cấu tạo địa chất đặc biệt như vậy. Ngẩng đầu nhìn lên với khoảng cách gần hơn, mỗi một mảng vách đá đều có hình dạng khác nhau, với từng nét như được đục đẽo, được gọt rũa, dường như là tác phẩm đặc biệt do tạo hóa lưu lại, khiến con người phải kính nể, là bài học địa lý mang lại nhiều cảm xúc nhất.
Điểm cuối của tuyến tỉnh lộ 24 là mốc cây số 44,5 (km 44,5), đồng thời cũng là khởi điểm của đường tắt số 45, khi tới bộ lạc Adiri có nhiều kiến trúc đá phiến nằm san sát, nhưng là ngôi làng hoang vắng ít người qua lại, những nhánh đào chuông đang e ấp chớm nở.
Đi ngang qua ngôi nhà của vị đầu mục bộ lạc Adiri, ở phía ngoài là trụ Tổ Linh, lu gốm, đồ trang trí chạm khắc bằng gỗ và hình vẽ màu với hoa văn công chúa Balenge kết hôn với rắn lục chúa Adalio. Những ngôn ngữ kiến trúc này đã thể hiện rõ địa vị của đầu mục trong bộ lạc.
Hai vợ chồng Bao Taide và Gu Xiuhui lâu nay vẫn ở tại bộ lạc Adiri để kinh doanh “Nhà nghỉ Samuku”. Họ sẽ đón tiếp những khách leo núi đến với bộ lạc Adiri để ngắm những chú chim và những loài bướm, khám phá đường mòn cổ Aluwan.
Đi qua đường mòn hoa đào chuông vào buổi chiều, khi màn đêm buông xuống, bầu trời lấp lánh muôn ngàn những vì sao, ôn lại chuyện cũ năm xưa, tận hưởng một đêm khuya thanh vắng, tĩnh mịch, ngỡ như được lạc vào cõi tiên, cảm thấy tâm hồn thư thái, bình yên.
Miền đất bí mật xuất hiện sau trận bão
Khi xuống núi tiết trời trong vắt, xuống dốc thật sảng khoái, là thời khắc thật vui vẻ trong chuyến phượt bằng xe đạp. Ghé qua bộ lạc Kabalelrahane ở phía cuối Vụ Đài, ăn một bát “thạch aiyu (ái ngọc)” đặc sản của bộ lạc, trong thạch aiyu tươi cho thêm hạt kê và nước cốt chanh quất chua chua ngon ngọt. Mỗi bát thạch aiyu chỉ có 35 Đài tệ chính là món điểm tâm để tự thưởng cho sự vất vả của bản thân, xa xa là dãy núi Đại Vũ (Dawu) xanh thăm thẳm, tâm hồn thanh thản, đầu óc thoải mái thực sự là điều vô giá.
Chuyến đi này đã có một quyết định bất ngờ là đi thẳng tới con sông Hayou, một thắng cảnh vốn chỉ mở cửa cho tham quan vào trước cuối tháng 4 là mùa sông cạn nước, đoàn phóng viên chọn cách chuyển tiếp bằng xe việt dã của bộ lạc Đại Vũ, không leo núi bằng xe đạp.
Con sông Hayou là một nhánh của dòng sông Bắc Ải Liêu, sau hành trình hơn 1 tiếng xe chạy từ lòng sông tới thung lũng, sau đó ngược theo dòng chảy đi bộ lên tới vách đá Bảy Màu (Qicai) hùng vĩ, dọc đường có suối khoáng nóng lưu huỳnh, vách đá bazan trộn lẫn với sắt và đá thạch anh phản chiếu một màu vàng óng ánh xuống dòng sông chảy róc rách, tạo nên cảnh sắc vô cùng kỳ vĩ.
Cư dân của bộ lạc Đại Vũ - Ba Yingxiong cho biết, trước khi xảy ra trận bão Morakot, đây là một hẻm núi có đầm sâu, chỉ có thể ngắm vách đá Bảy Màu từ đường mòn cổ của thợ săn ngắm dọc xuống theo đường biên của dãy núi, đây cũng chính là miền đất thiêng của dân tộc Rukai. Sau bão Morakot, nơi đây trở thành miền đất bí mật, có thể sau một trận bão khác sẽ lại bị biến mất và chôn vùi trong đất đá.
Năm nay (2019) nhân kỷ niệm trận bão Morakot vừa tròn 10 năm, Giáo sư Trần Mỹ Huệ (Chen Mei-hui) khoa Lâm nghiệp Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Bình Đông (National Pingtung University of Science and Technology) mở chương trình bồi dưỡng khả năng cho người dân bộ lạc từ 10 năm nay, cùng nỗ lực sát cánh với bộ lạc. Bà cho biết: “Bộ lạc tại địa phương không vì sự tàn phá của bão mà bị bỏ rơi, nhất là các bộ lạc này rất giàu giá trị văn hóa, có sự hội tụ, nếu có thể giữ vững nguyên tắc luân lý trong sử dụng đất đai, phát triển nét đặc trưng địa phương, đưa vào văn hóa canh tác nông nghiệp tự cung tự cấp của bộ lạc, đồng thời kết nối với thị trường, phát triển tour du lịch sinh thái trên tỉnh lộ 24, chắc chắn có thể xâu chuỗi lại những thắng cảnh của bộ lạc đã bị cơn bão tàn phá giống như xâu một chuỗi ngọc trai vậy.
Viễn cảnh tương lai do bà Trần Mỹ Huệ phác họa, ấm áp như tình người của bộ lạc mà người ta cảm nhận được từ chuyến đi phượt bằng xe đạp, khiến bàn đạp dưới chân càng trở nên vững vàng hơn trên đường về.