Dạo chơi Siraya
Thưởng thức sự chuyển mình hoa lệ của bãi hoang tàn
Bài‧Chen Chun-fang Ảnh‧Chuang Kung-ju Biên dịch‧Thúy Anh
Tháng 6 2023
00:00
Trên tường của những căn nhà xưa là nội dung thuyết minh trò chơi đợi du khách đến khám phá.
隨著國際旅遊復甦,台灣也張開雙臂迎接旅人。這回,《光華》前進西拉雅國家風景區,探訪具永續概念的景點:舊軍事訓練場化身景觀綠建築;鄉村廢墟加上新意,成了有美感的大型遊戲場;荒廢檳榔園變身生態農場。看看他們如何把閒置空間變得好看又好玩。
Cùng với đà khôi phục của du lịch quốc tế, Đài Loan cũng mở rộng vòng tay đón chào khách du lịch. Lần này, Ban biên tập tạp chí Taiwan Panorama đã đến Khu phong cảnh quốc gia Siraya, khám phá những thắng cảnh với khái niệm bền vững. Tại đây có kiến trúc cảnh quan xanh vốn là sân huấn luyện quân sự, có sân vui chơi cỡ lớn xinh đẹp được đổi mới từ bãi hoang tàn của nông thôn, có nông trường sinh thái được dựng nên từ vườn trầu bỏ hoang. Đến đây để xem họ đã biến những không gian bỏ trống ấy trở nên đẹp mắt hơn và thú vị hơn như thế nào.
Khu phong cảnh quốc gia Siraya nằm ở phía tây nam Đài Loan, địa hình phong phú, có suối nước nóng, đất xấu và còn có nhiều hồ chứa nước, diện tích rộng lớn, là khu phong cảnh lớn thứ hai trên khắp Đài Loan. Tên gọi Siraya bắt nguồn từ dân tộc Siraya - dân tộc nguyên trú sinh sống lâu đời tại đây. Ngày nay vẫn còn có một số bộ lạc của người Siraya sinh sống rải rác, tăng thêm màu sắc nhân văn phong phú cho khu phong cảnh tuyệt đẹp này.
Trong Trung tâm Du khách Quan Điền của Khu Phong cảnh Quốc gia Siraya, cảm hứng để thiết kế kiến trúc hình vòng cung đến từ văn hóa bình cúng tế của người Siraya.
Tìm hiểu Siraya từ trong kiến trúc xanh
Nếu muốn tìm hiểu về dân tộc Siraya, có thể đến Trung tâm du khách Quan Điền (Guantian) của Khu phong cảnh quốc gia Siraya tại thành phố Đài Nam (Tainan). Bên ngoài tòa kiến trúc xanh này được thiết kế kết hợp những nét đặc trưng của người Siraya, trên tường được tô điểm bởi hình hoa tám cánh thường thấy trong nghề thêu chữ thập truyền thống của người Siraya, còn kiến trúc vòng cung của Trung tâm du khách thì lấy cảm hứng từ văn hóa bình cúng tế của người Siraya. Người Siraya tôn thờ Alid, họ dùng những vật hình hũ như bình, vò, lọ để đựng nước và rượu cho cúng tế, đây là nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người Siraya.
Bên trong Trung tâm du khách còn có khu trưng bày văn hóa Siraya, giới thiệu lịch sử, tín ngưỡng, ẩm thực, phong tục…, đồng thời cũng trưng bày trang phục và sản phẩm thủ công của người Siraya.
Khuôn viên trung tâm ngày nay vốn là sân huấn luyện dã chiến đã ngừng sử dụng nhiều năm. Ban quản lý Khu phong cảnh quốc gia Siraya đã gìn giữ địa hình đồi núi vốn có, trên tầng ba có đài viễn vọng với tầm nhìn thoáng đãng, có thể thu gọn phong cảnh quảng trường ngoài trời vào trong tầm mắt. Trên bãi cỏ của khuôn viên có tạo hình chữ SIRAYA và tác phẩm nghệ thuật sắp đặt hình hươu sao, tượng trưng cho hình ảnh đàn hươu phân bố rộng khắp đồng bằng Gia Nam (Jianan) trước đây, là điểm chụp ảnh mà du khách không thể bỏ qua. Con đường đi bộ kết nối cả một khu vực rộng lớn ở giữa, bên cạnh trồng những loài thực vật như xoan, kèn hồng, bụt mọc, bốn mùa đều có cảnh sắc riêng biệt, rất thích hợp để tản bộ, dã ngoại.
Bà Trương Lệ Quân (Chang Li-jung) - Trưởng phòng Du lịch và Giải trí của Khu phong cảnh quốc gia Siraya cho biết, những năm gần đây, Ban Quản lý đã kết hợp với Đường mòn xanh Quốc gia Núi và Biển (Mountains to Sea National Greenway), tổ chức hoạt động đi bộ đường dài và chạy xe đạp, đồng thời quy hoạch con đường Lingbo Guantian dành cho xe đạp, khích lệ các gia đình cùng tham quan du lịch. Dọc tuyến đường này có thể nhìn thấy cảnh gà lôi nước - loài được mệnh danh là “Tiên nữ Lăng Ba” nhảy múa trên ruộng củ ấu, tìm hiểu về câu chuyện khai khẩn đồng bằng Gia Nam của Yoichi Hatta, thưởng thức sinh thái tự nhiên và lịch sử, nhân văn của Quan Điền.
Trung tâm Du khách Quan Điền dùng màu vàng tượng trưng cho màu sóng lúa và sóng nước, kết hợp với màu đỏ, màu xanh lam thường thấy trên trang phục của người Siraya để điểm xuyết trên khung cửa sổ, tạo nên không khí tươi vui.
Du lịch đảo ngay ở nông thôn
Cách Trung tâm du khách Quan Điền khoảng 10 phút đường xe chạy, chúng tôi đến Làng nghệ thuật sáng tạo Đại Kỳ (Daqi Creative Art Village Base) ở gần Đại học Nghệ thuật Đài Nam (TNNUA). Thoạt nhìn giống như một thôn làng bình thường nhưng chỉ cần đi đến Quầy thông tin “Yinonghao” (The House of Art Grower) ở trong làng, nhận bản đồ trò chơi là có thể hòa mình vào trong thế giới kỳ ảo với “cả làng là hòn đảo trò chơi”.
Đi theo chỉ dẫn của bản đồ trò chơi, băng qua con đường nhỏ giữa các căn nhà xưa, ở góc đường, ta sẽ bắt gặp những hoạt động trải nghiệm trò chơi thiếu nhi được thiết kế công phu. Ví dụ như trò “Lên đảo 123”, có thể ném bao cát để chơi cờ tỷ phú, xem ai là người đến đích đầu tiên; trò “Máy bắn đá bay” thì thi đấu xem ai có thể ném bóng đi xa hơn; trò “Xếp hình thung lũng” là mô hình trò chơi rút gỗ cỡ lớn với nhiều màu sắc, có thể khiến cả người lớn và trẻ nhỏ đều chơi đến quên hết mọi thứ; ngoài ra còn có những trò chơi như bắn ná, ném vòng, bắn bi… Những thiết bị trò chơi này đều được tạo dựng nên từ những vật liệu bỏ đi trong các căn nhà xưa, ống nước, ván gỗ được đóng thành máy bắn đá, những chiếc lồng chưng bị bỏ đi được sơn màu lại rồi treo lên trên bức tường đầy dây leo để làm thành bia mục tiêu. Những sáng tạo này đều mang lại diện mạo nông thôn khác biệt cho Đại Kỳ.
Người nghĩ ra dự án trò chơi thiếu nhi này là hai thanh niên Lâm Kiến Duệ (Lin Jian-ruei) và La Uyển Từ (Lo Wan-tsz). Họ vốn theo học ngành Kiến trúc tại Đại học Nghệ thuật Đài Nam, từ lúc còn là sinh viên đã tham gia vào dự án xây dựng khu dân cư Đại Kỳ. Đề tài luận văn thạc sĩ của Lâm Kiến Duệ cũng chính là cải tạo Trung Sơn Đường, một địa điểm có lịch sử lâu đời trong làng. Dưới thời quân Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan, kiến trúc bằng gỗ này là nơi tập trung để truyền đạt, bố cáo thông tin, qua sự cải tạo của Lâm Kiến Duệ, nó đã trở thành một thư viện cho khu dân cư. Hiện nay, không gian này cũng là phòng học thủ công cho “hòn đảo trò chơi”, du khách có thể đến đây để tự tay làm những chiếc bảng bắn bi pinball kết hợp phong cảnh nông thôn từ những vật liệu thiên nhiên mà họ tìm được trong làng.
Từ Trung tâm Du khách Quan Điền nhìn ra bên ngoài,
cảnh hồ nước bao la, thảo nguyên rộng lớn và bầu trời trong xanh gói gọn trong tầm mắt, khiến ta cảm thấy thoải mái, thanh thản.
Định nghĩa mỹ học mới cho bãi hoang tàn
Năm 2020, “Yinonghao” được cải tạo lại từ nhà máy xát gạo bỏ hoang, bày bán các sản vật và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương với khái niệm cửa hàng chọn lọc. “Yinonghao” cũng là điểm xuất phát của hoạt động “Hòn đảo trò chơi”, người chơi có thể đến từng điểm trò chơi trong làng để thu thập con dấu, sau đó quay lại đây để đổi lấy kem hoặc thưởng thức kem trái cây tươi làm từ nông sản địa phương. Anh Lâm Kiến Duệ cười nói, từ cửa sổ của “Yinonghao” có khi còn có thể nhìn thấy cảnh người dân trong thôn làng dùng túi để bọc quả hoặc thu hoạch xoài. Mọi thứ giống như một chương trình thực tế tận hưởng vùng nông thôn chất phác, khiến cho du khách phải kinh ngạc.
Đi dạo một vòng quanh làng, mỗi bãi hoang đều có câu chuyện của riêng mình, ví dụ như có một căn nhà xưa được dựng lên từ xà ngang lấy từ căn nhà tổ ở hồ chứa nước, rồi xây lại bằng phên trát đất tại Đại Kỳ, chở theo dấu tích lịch sử khai hoang của Đại Kỳ, đội ngũ cải tạo dự kiến sẽ biến nơi đây thành một không gian triển lãm văn hóa, lịch sử. Việc cải tạo cũng không đặt nặng vấn đề xây lại kiến trúc như cũ, mà thay vào đó là cải tạo thành sân chơi, ví dụ như căn nhà xưa với mái nhà đã bị sụp sẽ không xây thêm mái nhà mà dựng một chiếc cầu trượt, mang lại sức sống mới cho bãi hoang tàn này. Là những người quý trọng đồ vật cũ, Lâm Kiến Duệ và La Uyển Từ cũng thường xuyên đi tìm những thứ đáng giá bên trong các căn nhà xưa như máy may, máy thu thanh, v.v... mang về làm vật trang trí cho “Yinonghao”. Ngoài ra, La Uyển Từ còn nảy ra ý tưởng tổ chức lớp thủ công làm đế lót ly hay giá treo chậu cây từ những mảnh ngói đỏ bị bỏ đi, tạo ra giá trị mới cho những món đồ cũ kỹ.
Đại Kỳ nằm ở gần hồ chứa nước Ô Sơn Đầu (Wushantou), có núi, có sông, còn có các đảo nhỏ trên hồ chứa nước, ngoài ra còn có nguồn lực nghệ thuật từ Đại học Nghệ thuật Đài Nam. Đại Kỳ là nơi có thể tổ chức lễ hội nghệ thuật với những ý tưởng bay bổng, sáng tạo như dựng tác phẩm nghệ thuật sắp đặt trên các đảo ở hồ chứa nước, rồi ngồi thuyền đi thưởng ngoạn vòng quanh… Từ thủy lợi, nhân văn, văn hóa nông thôn, đến sáng tạo nghệ thuật, sức hấp dẫn của Đại Kỳ rất đáng để du khách dừng chân tham quan.
Lâm Kiến Duệ (trái) và La Uyển Từ (phải) đã áp dụng sở trường của mình, biến thôn làng hoang tàn Đại Kỳ thành khu trải nghiệm trò chơi thú vị.
Núi trầu lột xác thành khu vui chơi thám hiểm
Nông trường sinh thái Dream River tại xã Trung Phố (Zhungu), huyện Gia Nghĩa (Chiayi) vốn là một vườn trầu bị bỏ hoang, việc sử dụng thuốc diệt cỏ trước đây đã khiến cho mảnh đất này chỉ còn lại cây trầu với cỏ khô; dù vậy, hai vợ chồng Lưu Triều Duy (River Liu) và Thang Di Phong (Feng Tang) đã bỏ hơn chục năm hết lòng chăm sóc, bảo tồn, bây giờ sinh thái nơi đây đã trở nên phong phú, bướm bay dập dìu.
“Bạn nhìn xem, ấu trùng bướm cánh chim vàng đang hóa nhộng, giống như là dùng dây tự trói mình lại”. Đi theo bước chân của ông Lưu Triều Duy vào tham quan vườn sinh thái, ông nhanh tay bắt một con bướm hổ cam, rồi giới thiệu phần vòi cuộn lại trên thân nó, khi lấy mật sẽ vươn dài ra để hút mật trong nhụy hoa. Một lúc sau ông Lưu lại bắt ấu trùng của bướm phượng thân hồng, cho chúng tôi ngửi cái sừng hôi để dọa kẻ thù của nó, sờ vào gai thịt trông có vẻ sắc nhọn, nhưng thực chất lại mềm mại. “Cần có người dẫn dắt để khám phá sinh thái”, đây chính là động cơ ban đầu thúc đẩy ông Lưu Triểu Duy xây dựng không gian giáo dục về môi trường, bởi vì chỉ khi giúp cho đại chúng hiểu về thiên nhiên thì mới có thể tận tâm bảo vệ mảnh đất xinh đẹp này.
Mang suy nghĩ cộng sinh bền vững với môi trường, hai vợ chồng ông Lưu đã trồng đủ loại thực vật có thể ăn được và lấy mật như cây chanh Thái, cây đuôi chuột, cây trạch lan Kusukusu v.v... Trong vườn còn có một cây bạch đàn bảy sắc cầu vồng mà ông Lưu đùa là “cây biết ngáy”, loài cây này có tốc độ sinh trưởng rất nhanh, vỏ cây sẽ không ngừng bị rơi rụng, và cùng với thời gian, lớp vỏ cây sẽ càng lúc càng nhiều màu sắc hơn. Ông Lưu Triều Duy rất thích mời mọi người ghé sát vào thân cây để tịnh tâm lắng nghe âm thanh tiếng nước chảy trong mạch dẫn của cây, giống như là tiếng ngáy phát ra từ thân cây vậy.
Để khuyến khích mọi người đến gần hơn với sông núi, ông Lưu Triều Duy xây dựng Nông trường Dream River như là một nơi để giáo dục về núi rừng, hướng dẫn mọi người vượt suối, trèo cây, mùa hè còn có thể thả mình trôi dạt trên suối Vân Thủy (Yunshui), dù là người không biết bơi thì cũng có thể vui vẻ trải nghiệm những thú vui sông suối. Ông Lưu Triều Duy còn xây một lò nướng sinh thái bằng phương pháp thân thiện với môi trường để cho khách tham quan có thể tự làm bánh pizza bằng những nguyên liệu địa phương, tự tay hái rau, cán bột, đến cả những đứa trẻ kén ăn cũng tự giác ăn hết sạch những món rau mà chúng ghét. Ông Lưu Triều Duy đặt tên cho nông trường là Dream River với hy vọng “Xây dựng ước mơ thời thơ ấu, sinh sống trong núi rừng”, ông và vợ đã tỉ mỉ chuẩn bị những hoạt động trải nghiệm, biến núi trầu bị bỏ hoang thành một công viên vui chơi thích hợp cho cả người lớn và trẻ em cùng khám phá.
Những mái ngói có lịch sử lâu đời được tái chế thành đế lót ly, giá đỡ chậu hoa, từ đó được tiếp thêm sức sống mới.
Yinonghao là Quầy thông tin của làng Đại Kỳ, bày bán những sản vật và tác phẩm nghệ thuật của địa phương, ngoài ra còn có thể thưởng thức kem trái cây đúng mùa.
Nông trường Dream River có “cây biết ngáy”, ghé sát tai vào thân cây có thể nghe thấy âm thanh nước chảy trong mạch dẫn, giống như là tiếng ngáy, tràn ngập niềm vui của sự sống.
Ếch cây Zhangixalus moltrechti.
Trung tâm Du khách Quan Điền của Khu Phong cảnh Quốc gia Siraya tọa lạc trên một thảo nguyên rộng lớn, có hình chữ SIRAYA và tượng điêu khắc tượng trưng cho đàn hươu trên đồng bằng, là điểm chụp ảnh mà du khách không thể bỏ qua.