Tương ngộ‧Núi Lửa Phong Lâm
Đạp xe dạo quanh bờ biển phía bắc.
Bài‧Lynn Su Ảnh‧Jimmy Lin Biên dịch‧Tố Kim
Tháng 10 2019
與台北城不過近在咫尺的北海岸,萬千年來歷經多次的造山運動與火山活動,海浪與海風的細細雕琢,讓一路曲折多變,不僅沙岸與岩岸相互錯落,奇岩怪石壘壘而立,猶如台灣頂端的皇冠,鑲嵌著滿滿的珍寶。這一回的騎行特輯,我們隨著單車騎士踏入這個上帝大顯神蹟的舞台,共同見證驚奇與不朽。
Bờ biển phía bắc nằm gần trong gang tấc với thành phố Đài Bắc, qua ngàn vạn năm với nhiều lần hoạt động tạo núi và núi lửa phun trào, sự bào mòn của sóng và gió biển khiến cho nơi đây có địa hình gấp khúc đa dạng, không chỉ bờ cát và bờ biển đá xen lẫn vào nhau mà còn có những hòn đá với những hình dáng kỳ quái chồng chất lên nhau, giống như chiếc vương miện trên đỉnh đầu Đài Loan được nạm đầy kim cương đá quí. Trong tuyển tập hành trình đạp xe đạp lần này, chúng ta hãy cùng người đi xe đạp thâm nhập vào vũ đài thể hiện kỳ tích của Thượng Đế, chứng kiến những điều kỳ thú và bất hủ.
Trời vừa hừng đông, khi mà mọi người còn chìm trong giấc mộng thì người đi xe đạp đã rất tỉnh táo, chuẩn bị hành trang chờ xuất phát. Họ tập trung tại ga xe điện Metro Hongshulin ── điểm khởi đầu của tỉnh lộ 2 Đài Loan, vùng ven thành phố Đài Bắc, nhân lúc xe chưa nhiều, ánh nắng mặt trời chưa gay gắt, sẵn sàng thực hiện chuyến du lịch bờ biển phía bắc.
Phong cảnh bờ biển nam quốc
Nghe đồn có vịnh Nước Cạn giống như Khẩn Đinh, nơi đây là thắng cảnh đầu tiên trên đường du lịch. Bãi cát vẽ trên mặt đất hình vòng cung mềm mại trang nhã của vầng trăng đầu tháng, ở đây có nhiều cát, khoáng chất. Trong khoáng cát vàng còn tiềm ẩn những điểm màu nâu rỉ sét của quặng sắt, đó là nét đặc sắc của nơi này.
Vịnh Nước Cạn rộng lớn chẳng những được người dân địa phương yêu thích mà còn là điểm nghịch nước mà du khách chỉ định. Song, anh Trương Thụy Tùng (Zhang Rui-Song), tình nguyện viên thuyết trình của Phòng Quản lý khu Phong cảnh Quốc gia Núi Quan Âm và Bờ biển phía bắc với gia đình đã sống nhiều đời tại Kim Sơn cho biết, trước khi tắm biển ta cần phải học cách nhìn tình trạng của biển.
Thì ra, bờ biển phía bắc thường có “Dòng chảy rút xa bờ”. Hiện tượng đặc biệt này của biển còn được mệnh danh “Sát thủ ẩn hình”, nhìn mặt biển như sóng yên gió lặng nhưng phía dưới là dòng nước chảy xiết từ bờ ra khơi. Nếu như du khách thiếu hiểu biết, theo sóng càng bơi càng xa, đến khi muốn bơi ngược vào bờ thì khó lòng mà kháng cự được với dòng chảy, sau cùng kiệt sức rồi chết đuối. Ngay cả Bộ Giáo dục cũng tích cực tăng cường tuyên truyền tại các trường học địa phương, lo ngại các em học sinh đi tắm biển dịp hè lại xảy ra bi kịch.
Lắng nghe tiếng hát của gió và đá
Khởi hành từ ga xe điện Metro Hongshulin, đến Sanzhi, cửa hàng tiện lợi nằm tại giao lộ tỉnh lộ 2 Đài Loan và đường Trung Hưng, lộ trình 16 cây số này chỉ là giai đoạn khởi động mà thôi. Huấn luyện viên Du Xương Hiến (Yu Ch'ang Hsien) nói, đây là nơi mà nhóm người đạp xe đạp gọi là “Nơi bắt đầu”, “Qua khỏi nơi này thì không cần để ý đến đèn xanh đèn đỏ nữa”. Tại đây họ nghỉ ngơi giây lát, bổ sung nước, năng lượng, cuộc hành trình trên tuyến đường ven biển bằng xe đạp mới chính thức bắt đầu.
Tiếp tục men theo tỉnh lộ 2 Đài Loan mà tiến tới, chào đón doi đất đầu tiên của bờ biển phía bắc – Lân Sơn Tỵ (Linshanbi), sống mũi nhỏ hẹp duỗi vào eo biển Đài Loan. Đây là kiệt tác còn lưu lại sau khi nhóm núi lửa Đại Đồn (Tatun) phun trào vào 800 ngàn năm trước.
Khu vui chơi Lân Sơn Tỵ tại cây số 23 tỉnh lộ 2 Đài Loan mang đến một cao điểm mới trong chuyến du lịch. Quẹo vào con đường nhỏ bên cạnh, đến cảng Lân Sơn Tỵ, điểm tận cùng của khu này. Từ đây nhìn ra xa theo hướng biển, phía tay phải là con đường đi bộ Lân Sơn Tỵ rợp bóng cây xanh.
Tại đây, ngoài những thực vật thường thấy ở bờ biển : Tra làm chiếu, dã vu, riềng đẹp, tân đương qui (Angelica hirsuti-flora), dương đề diệp (Japanese dock), xoài biển, thạch bản diệp (Sedum formosanum), còn có đá magma màu xám đậm – di tích của núi lửa, do năm dài tháng rộng những con sóng vỗ về và gió mùa đông bắc vuốt ve, hình thành địa chất đặc biệt “Phong lăng thạch”. “Không giống như các loại đá bình thường, đá ở đây mặt lớn, lại nhiều, giữa các mặt có cạnh, các cạnh giao nhau lại có góc, do đó mới có tên gọi này”, anh Trương Thụy Tùng cho chúng tôi biết.
Bên còn lại của cảng lại là bờ biển với phong cảnh hữu tình. Con đường gỗ dành cho xe đạp ở bên tay trái dài hơn 10 km, vì có thể nối liền đến Tam Chi (Sanzhi) nên có tên là “Phong Chi Môn (Fengzhimen)”. Gần Phong Chi Môn có 2 rạn đá ngầm lớn phủ đầy màu xanh của cây cỏ, ngầm cho biết nơi đây có cảnh quan rất đặc biệt.
Loại đá ngầm được hình thành do tảo bị calci hóa sau khi chết có tốc độ sinh trưởng không đến 1cm/năm, ngẩng mắt nhìn là có thể thấy rạn đá ngầm to lớn này thực sự vô cùng quí báu. Song do việc xây mới lại cảng cá Lân Sơn Tỵ ít nhiều ảnh hưởng đến sinh thái nơi đây. Có thể suy đoán rằng mấy rạn đá ngầm mắc cạn trên bờ này là do người ta đặc biệt giữ lại khi xây mới cảng.
Cũng may, đợi khi thủy triều rút, trên vùng gian triều vẫn lộ lên cả mảng đá ngầm rộng lớn. Di sản tự nhiên may mắn tồn tại này, mỗi khi Xuân đến, thủy triều lên xuống làm cho nơi đây nhuộm màu xanh xanh, thì ra đó là tảo Ulva Lactuca. Tuy rằng tảo Ulva Lactuca có thể ăn được, thậm chí còn là một loại thuốc bắc, “nhưng người thời nay kén ăn, chê tảo này có mùi quá tanh”, anh Trương Thụy Tùng nói. Anh hồi tưởng lại cuộc sống thời nông nghiệp trước kia, người dân địa phương còn hái tảo này cho heo ăn.
Còn về con đường gỗ bắt đầu từ Phong Chi Môn có thể đi đến Tam Chi, đây là một con đường nhỏ ven biển, ngoài việc từng được ca sĩ Chu Kiệt Luân quay MV nhạc phim “Bí mật không thể nói”, con đường này còn được truyền tai nhau trong giới đạp xe đạp để tránh đi con đường nhỏ có dốc dài, nhớ là trong lượt về quẹo vào nơi này, hưởng thụ chuyến đi xe đạp bằng con đường nhỏ trong thôn dã, sau cùng sẽ quẹo ra từ công lộ bình thường rồi đi vào tỉnh lộ 2 Đài Loan.
Cả bờ biển đều là sân tập luyện của tôi
Trước khi tiến đến doi đất tiếp theo, chúng tôi đi đến vịnh Bạch Sa trước, vịnh này được bao bọc bởi Lân Sơn Tỵ và mũi Phú Quý, có phong cảnh hoàn toàn khác với vịnh Nước Cạn, cát vỏ sò màu trắng sáng cho thấy nước biển tại khu vực này rất trong sạch. Anh Trương Thụy Tùng nói, vào thời Nhật cai trị Đài Loan, nơi đây là nơi vui đùa với sóng biển mà người Nhật thích nhất.
Huấn luyện viên Du Xương Hiến chỉ cho chúng tôi một điểm đến rất hay của người đi xe đạp, cũng là nơi họ yêu thích, đó là trang trại Chushe. Bờ biển phía bắc quy tụ nhiều danh nhân, trong viện bảo tàng Văn vật danh nhân Tam Chi, ngoài việc trưng bày thành tích của các danh nhân : Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui), Giang Văn Dã (Chiang Wen-yeh), Lư Tu Nhất (Lu Hsiu-yi), Đỗ Thông Minh (Tu Tsung-ming. ), còn có danh họa Châu Chấn Nam (Chu Chen-nan). Trang trại “Chushe” nổi tiếng là công lao của nhà họ Châu và người kinh doanh nơi này là người thân của họa sĩ Châu Chấn Nam.
Tuy trang trại rất mộc mạc đơn giản, thậm chí không có phục vụ ăn uống, chỉ cung cấp dụng cụ nướng thịt, pha trà nhưng nơi đây có lợi thế về địa lý, lại có nhiều cây xanh, mát mẻ ngay cả trong những ngày hè nóng nực, là điểm tham quan mà nhiều người yêu thích đi xe đạp truyền miệng cho nhau. Mọi người đặt chỗ với trang trại trước rồi đưa người thân đến đây, chuẩn bị thực phẩm trước khi đến để cho người nhà thong thả nướng thịt, pha trà, trò chuyện. Họ chỉ cần dựng xe đạp trong trang trại, nhanh chóng thay đồ, chạy marathon một mạch đến ngọn hải đăng mũi Phú Quý ở gần đó rồi quay trở về, đi và về vừa đúng khoảng 3 km, thậm chí còn có thể tắm biển tại vùng biển lân cận. Gìn giữ căn cứ địa này, cả vùng bờ biển trở thành sân luyện tập 3 môn phối hợp.
Ngàn vạn năm qua không từng thay đổi
Trong chuyến du lịch bằng xe đạp này, ngoài việc ghé thăm những danh lam thắng cảnh, cũng đừng quên thưởng thức ẩm thực đặc biệt của địa phương. Bờ biển phía bắc thịnh hành bánh ú là do ngôi miếu ở địa phương – Thập Bát Vương Công mà ra, nghe nói đến miếu này cúng vào buổi tối thì rất linh nghiệm, thậm chí có người ở miền nam sau khi tan sở ngồi xe lên đây cúng, trước khi trời sáng thì lại ngồi xe về và để tiện cho việc ăn uống khi đi đường xa nên mới thịnh hành thứ quà đặc biệt này. Bánh ú được bắt đầu bán sớm nhất ở đây là bánh ú nhà họ Lưu (Lưu gia), sau đó dần dần nổi tiếng, ngoài ra còn có bánh ú nhà họ Du (Du gia), nhà họ Trần (Trần gia) cùng trỗi dậy cạnh tranh nhau. Đến nay có nhiều du khách mặc dù không thắp hương cúng bái nhưng cũng phải mua một cái bánh, thưởng thức hương vị nổi tiếng xa gần này.
Sau khi rời mũi Phú Quý, chuyến du lịch bằng xe đạp đã đến hồi kết thúc, chúng tôi đến tham quan máng đá xanh Lão Mai (Laomei Shicao) cách ngọn hải đăng không xa, kỳ quan này là kiệt tác được tạo ra sau khi núi lửa Đại Đồn phun trào trong quá khứ. Qua năm tháng, các con sóng đã xói mòn phần mềm, chỉ để lại phần đá cứng làm nên các con mương, rãnh lồi lõm, hiện giờ vừa đúng vào mùa xuân là mùa rong tảo sinh trưởng mạnh khiến cho bờ biển dài 1 km này nhuộm một màu xanh ngọc bích. Đứng trên bờ biển, lắng nghe tiếng sóng vỗ có qui luật từ xa đến gần, chỉ thấy sóng biển tung bọt trắng xóa từ những khe hở của mương đá, trông như đài phun nước nhỏ.
Tạo hóa không dừng tại đây, một thắng cảnh quan trọng khác của Thạch Môn là cổng vòm đá cực to cao đến 10 m được đội lên từ dưới biển sâu, trên đỉnh cổng đá hình vòng cung này chồng chất nhiều đất đá có hoa văn khác nhau, đây là biểu tượng quan trọng của người dân địa phương, cũng là duyên cớ mà “Thạch Môn” được gọi là “Thạch Môn”.
Tuy nhiên, thời đại thay đổi, mặc dù Thạch Môn vẫn y như cũ không động tĩnh gì nhưng môi trường xung quanh lại thay đổi một cách âm thầm. Nhìn kỹ, bờ biển vốn có nhiều ốc sò, cát vỏ sò, nay không những không còn thấy tông tích của ốc sò, mà trong cát mịn thậm chí còn trộn lẫn nhiều hạt rác nhựa nhỏ khiến người ta không nén được tiếng thở dài.
Trạm cuối của chuyến du lịch bằng xe đạp này là Vịnh Sa Châu (Shazhu ). Tuy nơi đây được gọi là “Vịnh Sa Châu” cũng được, hay trước kia được mệnh danh là “Trung Giác (Zhongjiao )” cũng xong, anh Trương Thụy Tùng nói, đối với người lớn tuổi địa phương, họ gọi nơi đây là “Cổ Liêu (Guliao)”. Đó là do khi họ còn nhỏ sống gần biển và kiếm sống nhờ biển, trên bờ biển cất chòi để lưới (guiliao) nên mới có tên gọi này. Nhưng đến nay cách đánh bắt cá bằng lưới truyền thống đã không còn, nguồn cá ở khu vực biển gần bờ cũng sắp cạn kiệt, hiếm khi thấy được tàu đánh bắt cá ra khơi, trước kia theo tiếng ốc biển, cùng vác thuyền ra khơi, giăng lưới, đã trở thành chuyện xa xưa.
Song, bất kể là Cổ Liêu, Trung Giác hay Vịnh Sa Châu, đứng nơi bầu trời và mặt biển hòa làm một cũng nên lãnh ngộ ít nhiều, so với thiên nhiên rộng lớn, cuộc đời con người như phù du, không nên quá bon chen danh lợi. Suy cho cùng, chúng ta nhẹ nhàng đi xuyên qua đất mẹ, thấu hiểu sự thay đổi của người và sự vật cũng chỉ gói gọn trong trăm năm nhưng những trải nghiệm, những bước đi thì gần như là của đất mẹ vĩnh hằng, bất chợt lòng cảm thấy tôn kính và khiêm nhượng.