Lấy công việc phục chế làm nghệ thuật hành động. Nghệ nhân phục chế tranh Đông phương. Phạm Định Phủ (Fan Ting-fu)
Bài‧Cathy Teng Ảnh‧Lin Min-hsuan Biên dịch‧Tố Kim
Tháng 12 2018
位在台北關渡的「三間工作室」,室內的白色空間給人安靜沉穩之感。工作室的人總是輕聲細語、輕手輕腳的,因為這邊主要的「客人」,多是年歲上百的珍貴文物,得小心呵護,細細款待。
三間的主人范定甫,說話小小聲又快,舉止間,他像是個沉醉在藝術世界裡樂不思蜀的大男孩;但看他細心進行修復的工序,他可是台灣首位在大英博物館工作的修復師。
Công ty San-Jian Art & Conservation (SJAC) nằm ở Quan Độ (Guandu), Đài Bắc, không gian màu trắng trong phòng làm việc cho ta cảm giác êm ái, trầm lắng. Người trong công ty lúc nào cũng nói năng nhỏ nhẹ, làm việc nhẹ nhàng vì “Khách hàng” chủ yếu của công ty đa số là các văn vật quí giá đã hàng trăm tuổi nên phải chăm sóc, đối đãi cẩn thận. Anh Phạm Định Phủ, chủ công ty SJAC nói nhanh với giọng nói nhỏ nhẹ, trong cử chỉ, anh như một chàng trai say mê chìm đắm trong thế giới nghệ thuật; nhưng nhìn anh tỉ mỉ với công đoạn phục chế, không ai ngờ anh là nghệ nhân phục chế Đài Loan đầu tiên làm việc tại Viện bảo tàng Anh (British Museum).
Thời đại học anh Phạm Định Phủ theo học lĩnh vực sáng tác tranh thủy mặc, vì muốn tìm hiểu sâu hơn về hình thức thể hiện nghệ thuật, anh bước vào lĩnh vực bồi tranh, trong lĩnh vực này anh biết nhiều hơn về kiến thức và kỹ thuật phục chế, từ đó đưa anh vào công việc phục chế văn vật.
Phục chế văn vật cũng là cách tu tâm
“Vì muốn sáng tác nên tôi học cách bồi tranh”. Anh Phạm Định Phủ thẳng thắng cho biết.
Từ trước đến nay, sau khi họa sĩ vẽ xong tác phẩm thì các công đoạn sau sẽ trực tiếp nhờ các nghệ nhân bồi tranh hoàn thành, tuy nhiên anh Phạm Định Phủ, người theo đuổi cách sáng tạo tự do lại hy vọng tự hoàn thành từ phần nội dung cho tới cách thể hiện sau cùng các tác phẩm của mình. Cũng vì thế cho nên anh cần phải học kỹ năng bồi tranh truyền thống, do đó mà anh tiếp xúc với ngành phục chế.
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Phạm Định Phủ thi vào khoa đào tạo sau đại học, chuyên ngành bảo tồn cổ vật của Học viện Nghệ thuật quốc lập Đài Nam. Đây là viện học thuật đầu tiên trong nước đào tạo nhân viên phục chế văn vật chuyên nghiệp, anh Phủ chính thức bước vào lĩnh vực phục chế văn vật, anh Phủ nói: “Học kỹ thuật bồi tranh truyền thống và phục chế rất thú vị vì có thể học được cách suy nghĩ về nhiều chi tiết và kiến thức về nguyên liệu, kỹ thuật mà khi là nghệ nhân ta không nghĩ đến”. Chỉ có điều là khi phục chế văn vật thì cần phải ngồi hàng giờ trước bàn làm việc, bất kể là làm sạch bụi, vá chỗ rách, tô màu, nhìn bề ngoài ta thấy tư thế làm việc hình như không động đậy gì cả. Anh Phạm Định Phủ là người yêu thích hoạt động ngoài trời thì không sao thích ứng được với công việc này.
Vả lại công việc phục chế không phải là sáng tác, cần phải kiềm chế khát vọng sáng tác sôi sục trong lòng của nhà nghệ thuật. Anh Phạm Định Phủ lấy ví dụ như việc “Toàn sắc” (tức tô sửa màu bằng cách dùng màu gần giống như màu trong bức tranh để tô sửa lại), theo nguyên tắc mang tính có thể nhận biết của việc phục chế, vết tích của phục chế cần phân biệt với nguyên tác, khi cần phải tô lại màu thì ta chỉ có thể làm sao cho gần giống như nét vẽ thật. Rất nhiều chi tiết, qui định khiến cho nghệ nhân yêu thích tự do chịu không nổi. Anh Phạm Định Phủ bộc bạch, anh phải mất hơn hai năm để điều chỉnh tâm trạng, tu tâm mới có thể bình tâm làm công việc phục chế.
Khái niệm phục chế cùng tiến bộ theo thời đại
Hiện nay khi nói đến phục chế, đa số thường truy nguyên nguồn gốc từ truyền thống bảo tàng học phương Tây. Nhưng anh Phạm Định Phủ giải thích, bản thân thư họa phương Đông có hệ thống của mình, phục chế đồ cổ như thế nào thì phải nhìn từ khái niệm bồi tranh. Anh nói: “Công việc phục chế ở Trung Quốc vẫn được thực hiện, chỉ có điều thiên về hướng đơn thuần phục hồi đồ vật trở về trạng thái có thể sử dụng. Còn khái niệm phục chế hiện nay, ngoài việc duy trì trạng thái vật chất của văn kiện ra, mà còn phải đồng thời gìn giữ cả bối cảnh lịch sử, giá trị mỹ học, thậm chí phải gìn giữ cả giá trị lẫn quan điểm vốn tồn tại.
Ngành phục chế thời nay còn yêu cầu nghệ nhân phục chế có kiến thức về các phương diện: lịch sử, mỹ học, lịch sử nghệ thuật, hóa học, v.v... ngoài ra cần phải tuân thủ các lý luận phục chế như “Tính đảo ngược” (chất liệu và kỹ thuật mới thêm vào phải ở dạng có thể loại bỏ, nhằm tiện cho việc khôi phục lại trạng thái trước khi phục chế), “Tính nhận biết” (những điểm phục chế cần phải hài hòa với nguyên tác, nhưng lại cần sự phân biệt với nguyên tác.), “Tính chân thật” và giới hạn can thiệp thấp nhất.
Phục chế đương đại càng chú trọng qui định về điều tra ghi chép trước khi bắt tay vào phục chế và lên kế hoạch phục chế. Sau khi nhận sự ủy thác phục chế văn vật thì phải viết "Bản miêu tả tình trạng văn vật”, anh Phạm Định Phủ nói nó giống như “Hồ sơ bệnh án của văn vật”, sau khi có kết quả thử nghiệm với các chất dung môi, cuối cùng mới viết kế hoạch kiến nghị phục chế.
Làm sạch, bóc gỡ, tu sửa, tút lại (retouch)
Phục hồi thư họa thì phải làm như thế nào? Để biết được thì trước hết ta tìm hiểu từ hình thức bồi tranh, anh Phạm Định Phủ nói: “Giải thích từ “Bồi tranh” tức là “Chải chuốt chỉnh tề” và “Trang trí”, ý nói là lót nền cho bức họa, rồi mới trang trí lại. Do đó, khi tiến hành phục chế, phải tháo gỡ hết các phụ kiện, khôi phục thành 1 bức họa. Nếu mặt tranh có vết dơ, bụi bám thì trước hết phải làm sạch, tiếp theo tách bức họa ra khỏi kết cấu cũ, nếu tranh bị hư tổn thì ta phải đắp vá lại, màu có bị tróc, bị phai thì tô màu lại. Qui kết công đoạn này tức là “Làm sạch, bóc gỡ, tu sửa, tút lại (retouch)”. Anh Phạm Định Phủ chỉ tốn có 3 giây để nêu quy trình phục chế, nhưng thực tế thao tác thì phải gần 100 công đoạn.
Ngàn năm nay, những công đoạn bồi tranh phục chế truyền thống không thay đổi nhiều, nhưng trên khái niệm, theo đà các nghệ nhân phục chế trẻ tuổi đưa cách phục chế của phương Tây vào, rồi thay đổi sao cho thích hợp với nét đặc sắc của thư họa phương Đông. Lấy ví dụ như, “Tính nhận biết” trong luân lý phục chế là để về sau các nhà phục chế khi bảo trì tác phẩm có thể dễ dàng phân biệt được đâu là vết tích thật, đâu là chỗ phục chế nhưng lại không làm tổn hại tổng thể và giá trị mỹ thuật của tác phẩm. Ở phương Tây bích họa và tranh sơn dầu có cách tô bù màu với đường mảnh, làm cho người ta không dễ nhìn thấy khi nhìn từ xa nhưng khi nhìn gần thì có thể phân biệt được cái khác nhau giữa nguyên tác và chỗ tu sửa, nhưng phương pháp này chưa chắc khả thi đối với thư họa phương Đông. Anh Phạm Định Phủ giải thích, khoảng cách giữa người tham quan và tác phẩm trong triển lãm thư họa phương Đông thường rất gần nhau, nếu như ta áp dụng phương cách tô màu này thì người ta sẽ thấy ngay những chỗ phục chế. Do đó, gần đây cách làm tại Đài Loan, Nhật Bản là “Toàn sắc bất tiếp bút” tức là dưới tiền đề không gây ảnh hưởng đến tác phẩm, gặp bức tranh hay văn vật bị hư tổn, nghệ nhân phục chế chỉ tô màu giống màu nguyên bản vào chỗ nhỏ đó (toàn sắc), và vẽ lại chỗ bị hư, rách với điều kiện không làm mất đi những đường nét ban đầu (Bất tiếp bút), tức là sử dụng phương pháp thích hợp với thư họa phương Đông.
“Phục chế” là một loại diễn dịch văn hóa
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, anh Phạm Định Phủ đến Viện Bảo tàng Thượng Hải thực tập, sau đó phục vụ tại Viện Bảo tàng Cố Cung và tại Studio Hirayama của Viện Bảo tàng Anh. Anh Phạm Định Phủ nói, Viện Bảo tàng Thượng Hải đào tạo theo kiểu thầy truyền nghề cho trò khiến anh cảm nhận được bồi tranh phục chế không chỉ là 1 loại nghệ thuật, mà đằng sau các công đoạn “Làm sạch, bóc gỡ, tu sửa, tút lại (retouch)” là sự tích lũy văn hóa“. Mỗi ngày làm nghệ nhân phục chế là anh đang tiếp tục công việc hàng ngày của thầy mình”. Trong mạch văn hóa như vậy, anh cảm nhận được bồi tranh phục chế không chỉ là kỹ thuật, mà là một nhóm người có cùng ký ức văn hóa. Nghệ nhân phục chế càng phải gánh vác, lưu truyền văn hóa.
Kinh nghiệm làm việc tại Viện bảo tàng Anh (British Museum) đã cho anh cách suy nghĩ mới. Trong viện bảo tàng có các đồng nghiệp đến từ các quốc gia với các nền văn hóa khác nhau, họ đưa ra ý kiến phục chế văn vật từ nhiều góc độ khác nhau. Điều này khiến anh hiểu rõ hơn công việc phục chế không chỉ là phục hồi vật chất một cách khách quan mà nó còn liên quan đến chính sách văn hóa của viện bảo tàng là làm sao để diễn dịch văn hóa. Anh Phạm Định Phủ nói: “Thực ra phục chế là một hình thức diễn dịch văn hóa.” Phục chế không có đáp án chính xác, cách duy nhất là phân tích thông qua thảo luận đa nguyên, suy nghĩ về mục đích bảo tồn về mọi mặt: từ phát triển văn hóa, kỹ thuật thao tác... thì mới cho ra được cách phục chế hợp lý.
Anh Phạm Định Phủ cho rằng kỹ thuật phục chế thư họa của Đài Loan có quyền phát ngôn trên trường quốc tế, do đó anh nỗ lực tham gia các tổ chức quốc tế như: Học hội Bảo tồn Văn vật Quốc tế (IIC), Hiệp hội Bảo vệ Văn vật Mỹ (AIC) là để Đài Loan có tiếng nói trong cộng đồng quốc tế. Anh cũng thành lập Công ty San-Jian Art & Conservation (SJAC), mang dịch vụ chuyên môn cấp bảo tàng đến với người dân, để càng nhiều người biết được ý nghĩa và giá trị của công việc phục chế.
Anh Phạm Định Phủ, người lúc nào cũng muốn quay về làm một nghệ nhân, cảm thấy việc sáng tác và phục chế đều cần có sự “Sáng tạo”, chỉ là phát huy ở chỗ khác nhau mà thôi. Phục chế không có đáp án chính xác, cũng vì vậy mà mỗi khi đối mặt với văn vật, đều là một thử thách mới. Với quá trình này, anh nói: “Tôi cảm thấy mình đang thực hiện nghệ thuật hành động.” Trên con đường nghệ thuật, anh là một nghệ nhân phục chế lấy công việc phục chế làm nghệ thuật hành động.