Bác sĩ của những bức tranh Nhà phục chế tranh sơn dầu Lại Chí Hào
Bài‧Cathy Teng Ảnh‧Họa sĩ Lại Chí Hào cung cấp Biên dịch‧Bích Ngân
Tháng 12 2018
「和歐洲動輒三、四百年的作品歷史相較,台灣的油畫作品其實都非常年輕,面對這些幼兒或新生兒,醫生給藥的劑量就要抓得非常小心。」賴志豪以修復師比作醫生,將待修復的作品比作患者。文物是不會說話的病人,必須小心地檢測,對症下藥,這才是修復師的責任。
“So với các tác phẩm tranh sơn dầu Châu Âu đã có lịch sử 300-400 năm, tranh sơn dầu của Đài Loan thật sự còn rất non trẻ, chính vì thế đối với trẻ em hoặc trẻ sơ sinh, thì bác sĩ phải rất cẩn thận khi khai đơn thuốc”. Có thể ví nhà phục chế tranh Lại Chí Hào (Lai Chih Hao) với công việc của một vị bác sĩ và xem các bức tranh đang chờ phục chế như những bệnh nhân. Bức tranh là những người bệnh không biết nói, cần phải rất cẩn thận khi chẩn đoán, chữa đúng bệnh đúng thuốc, mới thật sự là trách nhiệm của người phục chế tranh.
Thời gian thấm thoát trôi qua, tính đến nay nhà phục chế tranh Lại Chí Hào trở về Đài Loan đã hơn 7 năm, sau khi tốt nghiệp khoa Mỹ thuật và phục chế tranh sơn dầu tại Học viện Palazzo Spinelli nước Ý, ông Lại Chí Hào đã thực tập hơn 1 năm ở xưởng phục chế tranh S.Felice degli Artigianelli. Với những kinh nghiệm thực tế được học hỏi tại Florence, ông đã áp dụng vào nghề phục chế tranh của mình, đồng thời nỗ lực quảng bá khái niệm phục chế, hy vọng xây dựng được khái niệm và nhận thức đúng về công tác phục chế các văn vật trong xã hội Đài Loan.
Nước Ý, là sự lựa chọn đúng đắn
Tháng 11 năm 1966, sau nhiều ngày mưa lớn đã làm cho nước sông Arno nằm vắt ngang Florence dâng lên cuồn cuộn, ngập tràn mọi ngõ ngách của thành phố, khiến cho khu vực này, nổi tiếng là chiếc nôi của nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng, không thể nào đếm xuể được sự tổn thất nghiêm trọng về di sản văn hóa và các tác phẩm nghệ thuật. Sau khi nước rút, tình nguyện viên từ các nước đã quy tụ về nơi đây bắt tay vào công tác cứu vãn các tác phẩm bị hư hỏng, từ đó cũng tích lũy rất nhiều kinh nghiệm phục chế văn vật, và cũng khiến thành phố Florence trở thành trung tâm của các Học viện phục chế và Cơ quan nghiên cứu đào tạo bảo tồn văn vật.
Nhà phục chế tranh Lại Chí Hào còn nhớ lại buổi học đầu tiên của ông tại lớp phục chế văn vật Học viện Palazzo Spinelli nước Ý, hai bên lớp học chất đầy các bức tranh có lịch sử hơn 200 năm đang chờ được phục chế. Lúc ấy ông liền nghĩ rằng: “Mình đã chọn đúng điểm đến.”
Điều lo ngại nhất trong việc học phục chế là không có tác phẩm để thực tập, cho đến nay các tác phẩm bị hư hại trong trận lụt kinh hoàng đó vẫn chưa được phục chế xong, yêu cầu về công tác phục chế của địa phương là giúp cho những người học ngành nghề này có thể tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, nâng cao kiến thức cho bản thân.
Ở Ý, ông đã cảm nhận được tinh thần “phục chế mọi lúc, mọi nơi”. Ông quan sát thấy một bức bích họa không nổi tiếng ở bên vệ đường cũng được dựng một lớp hàng rào bao quanh và khóa lại, tránh bị hư hại do sự tiếp xúc của du khách và các loài chim chóc. Trong các giáo đường thường nhìn thấy một tờ giấy trắng dán lên văn vật bị hư hại, nhà phục chế tranh Lại Chí Hào giải thích, đó cũng là một cách thức gia cố tạm thời, trên tờ giấy trắng có lớp keo dính để lớp sơn không tiếp tục bị bong tróc.
Cuộc sống tại nước Ý luôn được gắn kết với nghệ thuật và phục chế, ông nghĩ, nếu bản thân không học thành tài, thì ít nhất cũng có thể ngắm được những tác phẩm nguyên tác của các bậc danh họa trong thời kỳ Phục Hưng, thỏa niềm mơ ước đã ấp ủ từ bấy lâu, đó là nguyên nhân tại sao ông chọn nước Ý để theo đuổi ngành phục chế tranh, ông cho biết như vậy.
Những bước quan trọng nhất trong ngành phục chế tranh
Trình tự của công việc phục chế đó là kiểm tra, lau chùi sạch sẽ, tu sửa lại kết cấu của bức tranh, tô màu lại…bên cạnh đó còn phải xem tình trạng của bức tranh để điều chỉnh kỹ thuật phục chế cho thích hợp.
Đầu tiên, nhà phục chế tranh buộc phải hiểu được tình trạng hư hỏng của tác phẩm cần được tu sửa, đồng thời lấy mẫu để phân tích, xác định xem dung môi tẩy rửa được sử dụng có thích hợp với tác phẩm đó hay không, như vậy mới không gây tổn hại cho bức tranh. Kế đến là lấy tăm bông chấm dung môi tẩy rửa lau chùi bụi bặm bám trên bề mặt tác phẩm, đây cũng là bước quan trọng không thể đi ngược trình tự phục chế. Nếu gặp phải tác phẩm có bề mặt bị hư hại lồi lõm, cần phải sử dụng một hỗn hợp pha trộn để làm phẳng lại, sau đó là dựa theo điểm giao nhau của thớ vân ngang dọc trên vải vẽ để chỉnh sửa lại kết cấu của bức tranh, yêu cầu cần thiết là phải có sự liên kết với xung quanh. Bước tiếp theo là tô màu lại cho bức tranh, với cách thức dùng từng điểm hoặc từng nét vẽ nhỏ, chỉnh sửa lại những chỗ hư hại của bức tranh, mang lại vẻ đẹp hoàn thiện cho tác phẩm. Công việc lập đi lập lại như thế rất cần sự tập trung cũng như một nghị lực và tính nhẫn nại phi thường, đó chính là cuộc sống thường nhật của các nhà phục chế.
Ngay từ cấp I ông Lại Chí Hào đã theo học hội họa, xuất thân từ họa sĩ vẽ tranh sơn dầu nên ông đã nhanh chóng thành thạo nghề phục chế.
Nhà phục chế tranh Lại Chí Hào giải thích,kinh nghiệm vẽ tranh sơn dầu hơn 10 năm đã giúp ông mau chóng nắm bắt được tâm ý, kỹ thuật sử dụng và điểm đặc biệt trong cách pha màu của tác giả. Thí dụ như trước kia màu sắc trong ngành hội họa không được phong phú như hiện nay, muốn có được màu tím, họ phải lên màu xanh lam trước, sau đó tô thêm một lớp mỏng màu đỏ trong suốt, khi hai màu này hòa chung với nhau sẽ tạo ra màu tím, phương thức này gọi là “Glazing” (Vẽ láng), với cách thức như vậy có thể tạo hiệu ứng từng lớp màu sắc đan chồng lên nhau, trong suốt và rõ nét. Do có kinh nghiệm về hội họa đã giúp ông hiểu rõ kỹ thuật và hiệu quả của phương pháp “Vẽ láng”, và phương thức này được sử dụng tùy theo tình huống phục chế tranh, giúp cho tác phẩm phục chế trông tự nhiên hơn.
Kỹ thuật phối màu phụ trên diện tích rộng bằng phương pháp hatching (vẽ gạch) là vẽ nhiều đường thẳng gần khít nhau cũng không làm khó được ông. Lúc bấy giờ kỹ thuật hatching đã được quốc tế công nhận là một phương pháp mang tính khả thi để tô lại màu sắc cho các tác phẩm phục chế. Ngay chỗ hư hại sẽ dùng nét vẽ gạch không đan xen, không chồng lên nhau để tô lại màu sắc, ngoài việc có thể nhận ra sự khác biệt đối với nguyên tác, còn đem lại vẻ đẹp cho toàn bộ tác phẩm, thế nhưng phương pháp này cũng rất hao tốn thời gian và sức lực, đồng thời cũng thử thách trình độ của nhà phục chế tranh, tuy nhiên ông Lại Chí Hào có thể hoàn thành một cách rất nhanh chóng và rất đẹp mắt, ông thường được chủ xưởng phục chế tranh trao nhiều trọng trách.
Trong quá trình phục chế, rất có thể sẽ phát hiện thêm những chứng cứ mới để thay đổi số phận của một bức họa. Nhà phục chế tranh Lại Chí Hào kể về một câu chuyện khó quên lúc còn ở nước Ý, khi ông đang lau chùi một bức tranh tượng Thánh thì phát hiện ở bên dưới hình vẽ dường như ẩn hiện chiếc mão gai của Chúa Giêsu, ông suy đoán người phục chế tranh trước đây trong khi phục chế đã che lấp chiếc mão này. Khi phát hiện chứng cứ mới này, chủ xưởng phục chế tranh đã lập tức báo cáo với nhân viên giám sát công tác phục chế, nguồn tin cũng đã khiến cho Đức Hồng y giáo chủ của nước Ý cũng đến xưởng phục chế tranh để quan tâm tìm hiểu. Do phát hiện mới mang tính trọng đại nên cần phải thảo luận thẩm xét kỹ càng, công tác phục chế bức họa đã được tạm dừng nhưng lại khiến ông Lại Chí Hào học tập được thái độ cẩn trọng trong công tác phục chế văn vật của người nước ngoài.
Xây dựng khái niệm “cấp cứu” văn vật
Sau khi trở về nước làm việc, ông phát hiện trong các dự án phục chế của Đài Loan có rất nhiều thao tác nhìn vào thì không có vấn đề nhưng thực chất là không đúng, ông đã từng gặp phải rất nhiều tác phẩm của các họa sĩ tiền bối bị tô vẽ lại, hoặc các tác phẩm hư hại bị bỏ bê không ngó ngàng đến, không tiến hành bất cứ một biện pháp phục chế nào, ông Lại Chí Hào nói rõ, những việc đã làm đều không thể thay đổi lại được, một khi đã phát sinh thì khó mà cứu vãn, diện mạo nguyên thủy của văn vật đó sẽ bị tiêu hủy, không bao giờ tìm lại được. Điều này đã khiến cho tâm trí ông vừa lo lắng vừa tiếc nuối.
Ông Lại Chí Hào nhấn mạnh thêm lần nữa, việc bảo tồn dáng vẻ nguyên thủy là điều quan trọng nhất. Ông từng nhận được một cú điện thoại cầu cứu đến từ Malaysia, cho biết một bức tranh bị tróc sơn rất nghiêm trọng, ông nói với người bên kia đường dây bằng mọi cách cất giữ các mảng sơn bị bong tróc, đợi khi ông đến nơi, đem từng miếng sơn dán lại vào bức tranh. Tác phẩm này do được bảo tồn một cách nguyên vẹn nên giá trị của nó cũng không bị thay đổi.
Thế nhưng khái niệm cấp cứu như vậy lại thiếu trầm trọng trong xã hội Đài Loan. Tại đây thường nhìn thấy các văn vật quý hiếm đang cận kề với sự hủy hoại, thế nhưng không nhìn thấy bất cứ một biện pháp cứu vãn nào. Mọi người cứ nghĩ rằng, đợi bác sĩ (tức là nhà phục chế) đến giải quyết là xong, tuy nhiên chờ đến khi bác sĩ xuất hiện thì người bệnh đã quy tiên. Cho nên ông cảm thấy nhất định phải xây dựng khái niệm cứu vãn văn vật tại Đài Loan, một khi nhìn thấy các văn vật bị hư hại, phải nhanh chóng làm bằng mọi cách giữ lại các mảnh vụn vỡ, còn phần chuyên môn hãy giao lại cho nhà phục chế.
Đài Loan không có nhiều người theo nghề phục chế văn vật, cho nên ông Lại Chí Hào ngoài việc phục chế các tranh sơn dầu, còn tham gia công tác bảo tồn, sửa chữa các văn vật truyền thống trong chùa miếu. Ông từng sử dụng kỹ thuật bóc tách bích họa truyền thống của Ý (lo Strappo), bóc tách lớp bích họa trên tường chứ không cần phải tốn công phí sức cắt bức tranh ra khỏi tường. Ông hy vọng có thể trao đổi kinh nghiệm này với các nghệ nhân truyền thống trong nước, thông qua sự trao đổi kinh nghiệm giữa hai thế hệ xưa và nay để cùng nhau bảo tồn những di sản văn hóa quý hiếm của Đài Loan.
Nguyên nhân đầu tiên để ông Lại Chí Hào đi theo nghề phục chế tranh đó là do bức tranh do ông vẽ bị hư hại, và không biết phải làm thế nào để phục chế. Thế nhưng sau khi theo học ngành này thì ông lại lấy đó làm nghề nghiệp chính của bản thân. “Kỹ nghệ phục chế cũng giống như một con dao, bắt buộc mỗi ngày đều phải mài dũa, như vậy mới sắc bén, tính chất công việc của người phục chế tranh cũng giống như một nhân viên chuyên môn, cần phải thông qua sự đào tạo và thực hành lâu dài, trước khi ra nghề phải trải qua quá trình rèn luyện lâu năm, như vậy mới đạt được nét tinh túy.” Ông Lại Chí Hào vẫn đang tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trên con đường trở thành bậc thầy trong ngành phục chế tranh, ông cũng nguyện sẽ tiếp tục tôi luyện, cống hiến sở trường của mình trên con đường phục chế văn vật của Đài Loan.