Giảng dạy vì Đài Loan
Giảng dạy vì Đài Loan, giáo dục vùng nông thôn, giáo dục bất bình đẳng, Lưu An Đình(Liu Anting ), Trường tiểu học Chúng Minh (Zheng-Min )
Bài‧Chen Chun-fang Ảnh‧Fu-Yu -Cheng/ Smalleyes Photography Biên dịch‧Tố Kim
Tháng 2 2021
當貧富不均、城鄉差距等議題讓社會瀰漫低迷的氛圍時,有群年輕人選擇收起抱怨,進入問題的核心。他們擁有令人稱羨的學歷,但他們選擇投入偏鄉教育,陪伴孩子。因為他們相信,「Teach for Taiwan,為台灣而教」會是改變社會的契機。
Trong khi các vấn đề như mức phân phối giàu nghèo không đồng đều cùng sự chênh lệnh giữa thành phố và nông thôn khiến cho xã hội tràn ngập trong bầu không khí trầm lắng, có một nhóm thanh niên không chọn cách than thân trách phận mà đã dũng cảm hành động giải quyết điểm mấu chốt của vấn đề. Họ đều là những người có học vấn đáng nể nhưng lại chọn con đường dạy học cho các trẻ nhỏ ở vùng sâu vùng xa. Vì họ tin rằng “Teach for Taiwan – Giảng dạy vì Đài Loan” chính là cơ hội để thay đổi xã hội.
Trong hội chợ việc làm của nhà trường, có một quầy triển lãm được mọi người vây kín, những tưởng đó là quầy của doanh nghiệp xuyên quốc gia nào đó đến đây tìm người, hỏi ra mới biết, thì ra là quầy tuyển giáo viên đến dạy ở các vùng nông thôn xa xôi!
Lớp trẻ dùng tình thương vun đắp vùng sâu vùng xa, dẫn dắt các em hướng tới tương lai tràn đầy hy vọng.
Giáo dục là sứ mệnh của một đời người
Quang cảnh được miêu tả trên đây là thực trạng của hoạt động tuyển dụng nhân tài do tổ chức phi lợi nhuận “Quỹ Giáo dục Giảng dạy vì Đài Loan Teach For Taiwan” (viết tắt là TFT) được tổ chức hàng năm tại trường học.
Quỹ Teach For Taiwan-TFT được thành lập vào năm 2013 với mục đích cải thiện sự bất bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục. Chúng ta thường nghe thấy tin tức nói về giáo viên không tìm được việc làm chính thức, cho rằng đó là do lượng giáo viên vượt quá nhu cầu nhưng trên thực tế, các trường học ở vùng nông thôn thường không tuyển được giáo viên cho dù đã thông báo tuyển dụng giáo viên đến 9 lần, thậm chí cho đến ngày khai giảng vẫn không có giáo viên. Các em lẽ ra đều có quyền nhận được sự giáo dục bình đẳng nhưng rồi chất lượng giáo dục lại được quyết định bởi nơi trẻ em xuất thân, khó lòng thay đổi được số phận, sự chênh lệch giữa giàu và nghèo, giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn.
Năm 2012 là lúc cô Lưu An Đình (Liu Anting ), người sáng lập Quỹ TFT đang làm việc ở Mỹ. Qua lời thuật lại của cha mẹ, cô biết được tình trạng giáo dục của trẻ em ở vùng nông thôn Đài Loan nên đã đưa ra ví dụ về tổ chức phi lợi nhuận “Teach For America – Giảng dạy vì nước Mỹ”, một tổ chức hàng năm chuyên tuyển dụng các sinh viên ưu tú vừa tốt nghiệp đến dạy tại các vùng khó khăn nhất. Như tìm được giải pháp, cô Lưu An Đình cùng cha mẹ đã dệt nên mộng ước thành lập Teach For Taiwan–TFT ngay trong cuộc trò chuyện điện thoại quốc tế giữa ba người.
Tiếp đó, cô Lưu An Đình lập tức tìm cách liên lạc với Teach For America–TFA. Tại Đài Loan, cha mẹ cô cũng liên kết với các tổ chức và những người quan tâm đến công tác giáo dục ở các vùng nông thôn xa xôi. Qua một thời gian nghiên cứu và liên lạc, TFT dần dần được hình thành. Vốn dĩ chỉ đặt mình ở vai trò cố vấn lập kế hoạch nhưng càng đầu tư vào công việc, cô càng quan tâm nhiều hơn đến các vùng nông thôn xa xôi của Đài Loan.
Trong cuốn sách “Leaving for Home” do mình sáng tác, cô Lưu An Đình viết: “Nghĩ lại, tại sao lại thành lập Teach For Taiwan-TFT? Không chỉ thay đổi vùng sâu vùng xa, mà còn cần phải thay đổi thế hệ của chúng ta: Tiếp nhận sự phê phán, phải bắt đầu từ bản thân mình bằng cách xắn tay áo lên lao vào cuộc, làm điểm khởi đầu cho sự thay đổi”.
“Vòng tròn hoàng hôn” trước khi tan học là khoảnh khắc để thầy trò trường tiểu học Chúng Minh bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp
Bước ra khỏi vùng an toàn, theo đuổi sự thành công khác
Năm 2008, cô Lưu An Đình sang học tại Đại học Princeton, Mỹ với học bổng toàn phần, trải qua vô số những ngày tháng như sắp bị đánh gục và đứng lên trở lại, cuối cùng cô tốt nghiệp và nhận giải thưởng Luận văn Woodrow Wilson Senior Thesis Prize, đồng thời vào làm việc cho một công ty tư vấn nổi tiếng. Cô Lưu An Đình kể lại, từ nhỏ cô đã không ngừng yêu cầu mình hướng đến sự thành công như Cookie Monster. Cho đến khi sang dạy học ở Ghana and Haiti, cô nhận ra rằng sự phong phú của sinh mệnh không phải đến từ danh lợi. Biết được thế nào là lắng nghe và bầu bạn mới là giáo dục, cũng là giá trị đáng quí nhất giữa người và người.
Cuối cùng cô đã từ bỏ tất cả những thành tựu mà cô giành được tại nước Mỹ bằng sự nỗ lực của mình, trở về Đài Loan để cải cách giáo dục.
Có lẽ hành động mang đầy cảm giác sứ mệnh của cô Lưu An Đình đã thu hút khá đông thanh niên ưu tú như cô. Xem qua danh sách đội ngũ lãnh đạo của TFT và giáo viên các niên khóa, ta thấy không ít người trong số họ tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng. Con đường tương lai của họ có khá nhiều lựa chọn nhưng vì cùng chung chí hướng với TFT đã khiến họ nhận định lại giá trị chủ yếu của sự thành công, cùng nhau xây dựng sự nghiệp giáo dục mang tính thế kỷ.
Tuyển chọn giáo viên mang ý thức sứ mệnh
Mặc dù hiện nay sự thiếu hụt giáo viên tại vùng sâu vùng xa rất nghiêm trọng, nhưng không vì vậy mà TFT thu nhận tất cả những người đến đăng ký. Việc tuyển dụng giáo viên phải được thông qua 3 giai đoạn gồm chọn lọc đơn xin tuyển dụng, phỏng vấn qua mạng, phỏng vấn trực tiếp. Trong đó phỏng vấn trực tiếp lại được chia làm 2 phần: mô phỏng cảnh dạy học tập thể và phỏng vấn.
Việc giảng dạy ở vùng sâu vùng xa, bất kể là khi đứng lớp, trong trường học, gia đình hay khu phố đều mang nhiều thử thách mà giáo viên cần phải đối mặt. Do đó, TFT định nghĩa lại tiêu chuẩn giáo viên tham gia kế hoạch này. Ngoài năng lực dạy học ra, các giáo viên còn cần phải hội đủ các năng lực như giải quyết vấn đề, hiểu được chính mình, đứng dậy sau thất bại, trao đổi và lãnh đạo. Với tiêu chuẩn tuyển chọn giáo viên này, từ khóa thứ nhất cho đến khóa thứ 5, TFT đã nhận được hơn 1.700 bộ sơ yếu lý lịch, chọn ra 120 giáo viên của TFT và họ đã được phân bổ đến khắp 38 thôn quê Đài Loan, tỷ lệ tuyển dụng thành công không đến 10%!
Sau khi được tuyển chọn, các giáo viên cần phải trải qua quá trình đào tạo tập trung trong 6 tuần, đồng thời phải thông qua 1 tuần thực tập tổng kết.
Trường tiểu học Zheng Min quán triệt tinh thần TFT
Trường tiểu học Chúng Minh (Zheng-Min ) - Vân Lâm có đến 90% giáo viên được đào tạo từ hệ thống TFT nên có lẽ là một trường học quán triệt tinh thần của TFT nhất. Các giáo viên TFT qui tụ tại đây xem việc dạy học là sứ mệnh của mình, thiết kế các môn học xuất phát từ tôn chỉ vì học sinh thân yêu, với mục đích nâng cao phẩm chất và năng lực học tập của học sinh, bồi dưỡng khả năng tự học cho trẻ. Việc này cũng đã cứu vãn ngôi trường Chúng Minh sắp bị đóng cửa, chẳng những vậy, hiện nay ngôi trường này còn trở thành trường nổi tiếng được phụ huynh tranh nhau đưa con vào học.
Trường tiểu học Chúng Minh đặc biệt có tổ chức tuần lễ đánh giá, không đánh giá quả kết quả kiểm tra hàng tháng mà mỗi giáo viên sẽ tự thiết kế đề thi bằng các phương thức khác nhau như thi thực tế hay kiểm tra trên giấy để các em vận dụng những điều mình đã học để hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả đánh giá cuối cùng không chỉ có điểm thi mà còn có cả lời nhận xét của giáo viên về tính cách, thái độ của học sinh trong quá trình học tập. Chủ nhiệm phòng Hành chính - Tổng hợp trường Chúng Minh-cô Tống Uyển Dung (Sung Wan Jung ), người từng là giáo viên của TFT khóa 2 cho biết: “ Kiểm tra không phải là muốn biết trẻ thi được bao nhiêu điểm mà là thông qua đó để biết được trẻ học hỏi được bao nhiêu, phần nào trẻ không biết thì chúng tôi sẽ nỗ lực chỉ dạy cho trẻ là được thôi”. Việc này cần sự đầu tư hết mình của giáo viên và không ngừng điều chỉnh tốc độ học tập tùy theo tình trạng của các em. Nếu không có sự đồng lòng mạnh mẽ giữa các giáo viên toàn trường thì việc này sẽ không dễ dàng thực hiện được.
Làm sao dạy cho trẻ có được phẩm chất tốt đây? Giáo viên trường tiểu học Chúng Minh bồi dưỡng phẩm chất của trẻ thông qua sự ảnh hưởng của môi trường. Chẳng hạn vào giờ tan học mỗi ngày, các thầy cô sẽ tổ chức “Vòng tròn hoàng hôn”, giáo viên sẽ chia sẻ với học sinh hôm nay em nào thể hiện phẩm chất tốt đẹp, đồng thời khích lệ trẻ chia sẻ hành động tích cực của mình với bạn bè. Ngoài ra còn có “Thời khắc nho nhỏ”, chỉ cần thấy em học sinh nào đó có hành vi nâng cao phẩm chất của mình thì thầy cô sẽ lập tức nói cho trẻ biết bất kể là vào khi nào và ở đâu. Thầy cô không phải dạy mà là thực hành bằng hành động thiết thực, biến phẩm chất trở thành sự tích lũy hàng ngày.
Cơ hội mang lại sự thay đổi bên ngoài lớp học
Từng có giáo viên của TFT dạy học tại một trường tiểu học ở xã Tân Bì, Bình Đông (Xinpi, Pingtung). Cô dùng mọi cách để khơi dậy sự yêu thích học tiếng Anh nhưng không thể nào tạo sự hứng thú cho các em học sinh. Đến khi cô ngẫu nhiên nhận dạy lớp buổi tối cho các bậc lão niên. Ở vùng này thường có tình trạng ông bà nuôi dạy cháu, các vị lớn tuổi đến lớp học cũng là phụ huynh của trẻ nhỏ, do trẻ không ai chăm sóc nên ông bà dắt theo đến lớp học.
Động cơ khiến các vị lão niên muốn học tiếng Anh nằm ngoài dự đoán của chúng ta, ví như chỉ vì muốn xem biết bảng số xe gây tai nạn rồi chạy luôn có chữ cái bằng tiếng Anh hay là để biết xem kích cỡ lớn nhỏ khi mua quần áo. Giáo viên cũng soạn bài theo nhu cầu của học viên. Dần dần, trẻ phát hiện, hình như tiếng Anh của ông bà giỏi hơn mình, phụ huynh cũng tự tin hơn khi đối thoại với con trẻ. Trẻ con lúc mới đầu chơi đùa ở cuối lớp học, về sau các em chủ động cùng học với ông bà, thậm chí ta còn có thể thấy được cảnh người lớn cùng trẻ thi đua nói tiếng Anh. Tất cả những điều này không phải là sự chuyển biến tức thời mà cô giáo của TFT trụ ở vùng sâu vùng xa này phải mất gần 1 năm mới dần dần nhìn thấy tia sáng hy vọng trong sự nghiệp dạy học của mình.
Bó đuốc khơi dậy cuộc cách mạng ôn hòa trong xã hội
Các giáo viên tham gia kế hoạch Giảng dạy vì Đài Loan – TFT phát hiện ra các vấn đề khi đi dạy thực tế. Có người thì chọn cách ở lại vùng sâu vùng xa để dạy học, hoặc có người toàn lực đầu tư để cải thiện môi trường giáo dục tại các khu cộng đồng. Cũng có trường hợp như Vu Gia Huệ (Wu Jiahui), giáo viên khóa 1 của TFT đã sáng lập ra Hiệp hội ThereforEd (ThereforEd Association), thiết kế giáo trình tiếng Anh theo phong cách địa phương hóa để hỗ trợ cho các giáo viên vùng sâu vùng xa.
Trưởng ban Quan hệ đối ngoại TFT Chung Nghệ Lăng (Chung Ailing) cho biết, từng có một vị chủ nhiệm của nhà trường không thích giáo viên của TFT đến trường này dạy học vì cho rằng thái độ tích cực thái quá của giáo viên TFT là muốn thực hiện cuộc cải cách. Nhưng qua một thời gian, thấy giáo viên này thực sự vì học sinh nên vị chủ nhiệm dường như nhìn thấy nhiệt huyết của mình lúc làm giáo viên thực tập. TFT hy vọng dựa vào đội ngũ giáo viên TFT để truyền nguồn năng lượng mới cho ngành giáo dục Đài Loan.
Một người chạy được nhanh thì một nhóm người sẽ đi được xa hơn. Teach For Taiwan không chỉ là tên của một tổ chức mà còn là sứ mệnh chung của một thời đại.